Mặc dù chúng ta đều thấy rõ sự cần thiết phải thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân”, nhưng trên thực tế, việc bí thư cấp ủy trực tiếp tiếp dân và đối thoại với dân, xử lý ý kiến, kiến nghị của dân chưa được thực hiện đồng bộ, đồng đều ở tất cả các cấp. Đâu đó vẫn còn tình trạng thiếu quyết tâm, quyết liệt, để vụ việc chậm được giải quyết, để người dân bức xúc kéo dài.
Lẽ ra... việc đã không kéo dài
Trở lại với vụ việc của bà Bùi Thị Thanh ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Trong buổi tiếp và giải quyết đơn, thư của hộ gia đình chính sách này, có một điều rất đáng suy ngẫm mà đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã lưu ý, nhắc nhở các cấp, các ngành về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết đơn, thư của công dân.
Trường hợp của bà Bùi Thị Thanh ngay từ đầu đã có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết. Chưa kể, đây còn là tình cảm, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với gia đình người có công với cách mạng. Thế nhưng, vụ việc đã tồn tại 6 năm không được giải quyết. Chỉ khi đến tay đồng chí Bí thư Thành ủy mới được xử lý dứt điểm với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp trách nhiệm của chính quyền huyện Quốc Oai với Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi kết luận giải quyết vụ việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã rút kinh nghiệm, rà soát các vụ việc tương tự, nếu đủ điều kiện theo quy định pháp luật phải giải quyết ngay; không để kéo dài 6 năm như vụ việc này, gây ra bức xúc không đáng có cho công dân. Bốn vụ việc khác được Bí thư Thành ủy tiếp công dân và kết luận giải quyết từ đầu năm 2023 đến nay với kết quả tích cực như đã nêu tại bài đầu loạt bài viết này thực chất hoàn toàn có thể được các quận, huyện xử lý sớm nếu có đủ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sự đeo bám cần thiết.
Cho nên, sự nhắc nhở, chỉ đạo nêu trên của đồng chí Bí thư Thành ủy không những đã chỉ ra chính xác vấn đề, mà còn có ý nghĩa giao nhiệm vụ chính trị cho cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cấp, các ngành, trước hết là người đứng đầu cấp ủy phải thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị. Đây cũng chính là niềm mong mỏi của người dân đối với các cơ quan chức năng từ thành phố xuống cơ sở; là trách nhiệm, bổn phận và lương tâm của người đứng đầu cấp ủy.
Thực tiễn đòi hỏi ngày càng cao
Yêu cầu nêu trên càng cần thiết, cấp bách hơn bởi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhận định, hiện nay, công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ở một số cấp ủy còn chậm, chưa phân công rõ người, rõ việc, chưa có lộ trình, giải pháp, rõ trách nhiệm giải quyết từng vụ việc khiếu kiện phức tạp, tiềm ẩn về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài. Một số quận, huyện còn để tồn tại các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết. Công tác chỉ đạo giải quyết trong một số vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn chưa quyết liệt, dẫn đến việc người dân tiếp tục gửi đơn vượt cấp... Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả chưa cao. Một số công dân khiếu kiện có nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.
Một số vụ việc đã được cơ quan chức năng rà soát, giải quyết đúng chính sách, pháp luật, tổ chức đối thoại, vận động nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện. Chế độ thông tin báo cáo về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng chưa đầy đủ và chưa kịp thời, nội dung chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình theo dõi, tổng hợp... Một điểm rất đáng chú ý trong nhận xét của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là: “Cấp ủy, chính quyền một số nơi còn chưa quyết liệt chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ khi mới phát sinh”.
Mặc dù có tín hiệu tốt là số vụ khiếu kiện đông người và đơn, thư trong 9 tháng của năm 2023 đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng số vụ việc tồn đọng ở các cấp vẫn còn nhiều. Đến tháng 9-2023, mặc dù giảm 6 vụ so với năm 2022, nhưng toàn thành phố vẫn còn 47 vụ việc phức tạp, kéo dài còn tồn đọng. Trong đó có 9 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp cần tập trung giải quyết; 38 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo của Thành ủy theo dõi, đôn đốc giải quyết. Các quận, huyện, thị ủy cũng còn tới 65 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, mặc dù đã giảm được 13 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, theo Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân các địa phương vẫn đang gia tăng (ước tính tăng 19,1% về số người được tiếp; tăng 20,7% vụ việc, tăng 27,5% đoàn đông người). Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi, rác thải… ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân; tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và công tác quản lý, vận hành tòa nhà, cũng như chất lượng chung cư không bảo đảm… Nhiều vụ việc trong các lĩnh vực này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân, làm phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Tương tự các địa phương trên cả nước, các ý kiến, kiến nghị và đơn thư của người dân trên địa bàn Hà Nội có tới trên 70% là liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Trong khi đó, tăng cường tiếp công dân, đối thoại với công dân và xử lý ý kiến, kiến nghị của công dân chính là “chìa khóa” để các cấp ủy, chính quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, qua đó tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với Hà Nội, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa giải pháp quan trọng này. Bởi tính đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 40% (tính đến ngày 15-9-2023 là 43,1%), trong đó nguyên nhân khó khăn chính là giải phóng mặt bằng. Cụ thể, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân thông tin, toàn thành phố còn 293 dự án khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Các dự án trải dài trên địa bàn của tất cả 30 quận, huyện, thị xã, nên đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với các quận, huyện, thị ủy và trước hết là các đồng chí bí thư cấp ủy. Chỉ có làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mục tiêu về đích giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ 95% trở lên mới có thể đạt được.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã đạt gần 90%, nhưng phần còn lại khoảng 10% mới thực sự khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các quận, huyện và các phường, xã, thị trấn. Hơn 1 năm qua, việc cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tiếp công dân, đối thoại với công dân và xử lý ý kiến, kiến nghị của công dân là bài học thành công hàng đầu để tháo gỡ vướng mắc, tạo và củng cố niềm tin, tăng đồng thuận của nhân dân, đem lại kết quả nổi bật. Đến nay, giải pháp này cần phải được vận dụng thường xuyên hơn, tích cực và hiệu quả hơn nữa mới có thể đưa công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư phục vụ xây dựng con đường mang tính động lực phát triển cho không chỉ Hà Nội mà cả Vùng Thủ đô về đích đúng hẹn.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.