Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao nhận thức để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả

Thu Trang thực hiện| 07/08/2017 06:51

(HNM) - Năm nay, dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện sớm với số ca bệnh gia tăng nhanh chóng trên địa bàn Hà Nội. Đâu là nguyên nhân gây ra tình hình dịch bệnh bất thường, biện pháp phòng, chống hiệu quả là gì?

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh (thứ ba từ trái sang) kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai.


Chỉ “muỗi quý tộc” mới truyền sốt xuất huyết

- Năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn so với mọi năm. Vì sao lại có sự bất thường như vậy, thưa ông?

- Diễn biến dịch sốt xuất huyết năm 2017 tại Hà Nội phức tạp, chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, thể hiện qua số người mắc tăng nhanh và cao, sớm hơn so với những năm trước từ 2 đến 3 tháng. Nguyên nhân khách quan là mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước. Chính thời tiết nắng nóng, mưa nhiều đã tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan là tập quán tích trữ nước của người dân chưa có nhiều thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng, bọ gậy. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây.

- Khu vực Đông Nam Á cũng đang là “điểm nóng” của dịch bệnh. So với các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam thế nào?

- Sốt xuất huyết lưu hành tại 128 nước, hằng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á có tới 7/10 nước có dịch sốt xuất huyết nặng, là nguyên nhân hàng đầu khiến các trường hợp nhập viện và gây ra tử vong ở trẻ em.

Từ năm 1980 trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gần gấp 5 lần so với 30 năm trước. Năm 2017, tỷ lệ số ca mắc bệnh/100.000 dân tại nhiều nước khu vực Châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru (195/100.000), Nicaragua (199/100.000), Argentina (121/100.000), Brazil (171/100.000), Ecuador (49/100.000), Malaysia (141/100.000), Philippines (33/100.000), Lào (30/100.000), Singapore (20/100.000). Tại Việt Nam, tình hình bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân là 56,7 - thấp hơn so với một số nước và tỷ lệ tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Năm nay, cả nước đã ghi nhận hơn 60.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%.

- Ông có thể cho biết các đặc điểm nhận diện về loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết?

- Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà qua vật trung gian là muỗi truyền bệnh. Không phải loại muỗi nào cũng có thể truyền căn bệnh này. Dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Muỗi vằn còn được gọi là “muỗi quý tộc” vì có đặc tính sinh ra trong môi trường nước trong và chỉ đẻ trứng nơi sạch sẽ. Đặc biệt, muỗi vằn đốt người là con cái, đốt người nhiều nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Loại muỗi này phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20 độ C.

- Phải chăng do thiếu kiến thức nên nhiều nơi, mọi người nhầm tưởng chỉ cần khơi thông cống rãnh, dọn dẹp những khu vực mất vệ sinh, có nhiều muỗi là phòng, chống được dịch bệnh sốt xuất huyết?


- Đúng vậy! Nhiều nơi ao tù nước đọng, muỗi bay khắp nơi, nhiều người bị muỗi đốt, có lây lan các thứ bệnh khác, nhưng không có bệnh sốt xuất huyết. Còn có nơi địa hình khô ráo, sạch sẽ lại bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết vì xem nhẹ việc dọn dẹp những nơi, đồ đạc chứa nước, đọng nước ngay trong nhà… Và đó chính là ổ bọ gậy, lăng quăng trú ngụ. Do vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, căn bệnh sốt xuất huyết được lây truyền do muỗi vằn hay “muỗi quý tộc”. Muỗi vằn cư trú ở những nơi có nước trong, sạch để lâu ngày tại chính ngôi nhà chúng ta như: Bể tích nước, bể cá cảnh, bình cắm lọ hoa còn nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ, hộp, chai lọ… Vì vậy, mỗi gia đình cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu, là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.

Mặt khác, muỗi vằn thích ẩn mình trong chỗ tối, ẩm thấp, nhất là có trong chỗ mắc quần áo bẩn, có mùi mồ hôi người và hoạt động mạnh vào khoảng 5 đến 9h sáng và từ 15 đến 19h tối. Do đó, sau một ngày lao động về nhà, mọi người không nên treo quần áo đã mặc trên mắc, tránh tạo chỗ trú ẩn cho muỗi vằn. Để tránh muỗi đốt, từng cá nhân, hộ gia đình khi ngủ phải có màn (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay, không cho trẻ em chơi chỗ tối, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo quần áo, chỗ tối, đồng thời tăng cường biện pháp đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.