(HNM) - Sau ba thập kỷ mở cửa và hội nhập, xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã phát triển vượt bậc và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song đi kèm theo đó là nhập siêu kéo dài...
Phải khẳng định rằng, với vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất của khu vực phía Bắc thì việc nhập siêu trong những tháng đầu năm 2017 của Hà Nội cần bình tĩnh xem xét ở hai góc độ. Đó là: Cơ cấu hàng nhập khẩu tăng mạnh ở những mặt hàng nào? Nếu là hàng công nghệ, máy móc công nghiệp thì không phải là quá lo ngại vì điều đó là cần thiết để phục vụ sản xuất, hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng nếu đó là những mặt hàng tiêu dùng thuần túy hoặc xa xỉ phẩm thì rõ ràng có sự thiếu bền vững.
Từ thực tế đó cho thấy, có thể không quá lo ngại về việc nhập siêu thời gian qua của TP Hà Nội, nhất là khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu cuối năm cũng như chuẩn bị cho thị trường tiêu dùng Tết 2018. Tuy nhiên, từ câu chuyện nhập siêu có thể thấy, để kinh tế phát triển được tốt hơn vẫn đòi hỏi thành phố có những quyết sách mới.
Trước hết, cần nhanh chóng có kế hoạch thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đối với nhóm hàng có nguồn gốc từ hàng nông, lâm, thủy sản, cần nhanh chóng chuyển từ xuất khẩu dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế sang các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo, cần chuyển từ phương thức gia công xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp hiện nay sang xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao.
Tiếp đến là phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, điều mà Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chưa làm tốt thời gian qua. Do đó, cần sớm có chính sách phù hợp và mạnh mẽ để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, định hướng phục vụ cho những nhóm ngành hàng công nghiệp chủ lực đã được thành phố coi là chiến lược phát triển thời gian tới. Đây là một điều kiện quan trọng để giảm mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho gia công xuất khẩu, từ đó giảm nhập siêu.
Trong thẩm quyền của thành phố, cũng cần mạnh dạn áp dụng những chính sách để hạn chế nhập siêu những mặt hàng tiêu dùng trong nước thừa khả năng sản xuất (nông sản, hàng tiêu dùng), phương tiện cá nhân đắt tiền… Trên cơ sở đó là định hướng nhập khẩu không nên “dồn cục” vào một thị trường nào đó, dẫn tới phụ thuộc về vốn, kỹ thuật và công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu và cho các doanh nghiệp xuất khẩu của riêng Hà Nội. Có như vậy, các sản phẩm và doanh nghiệp Hà Nội mới có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và ngay tại thị trường trong nước.
Ngoài các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, để quản lý nhập siêu cần phối hợp đồng bộ các chính sách khác như: Cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách hành chính và dần chủ động tiếp cận với những thành tựu do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển khoa học, công nghệ để làm chủ công nghệ.
Như vậy, để giảm nhập siêu không chỉ phải hạn chế nhập khẩu mà đòi hỏi phải nâng cao năng lực sản xuất nội sinh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô nhằm gia tăng xuất khẩu. Hay nói cách khác, muốn hạn chế được nhập siêu các cơ quan chức năng phải sử dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất của nền kinh tế. Công cuộc này cần có chiến lược dài hạn và thực hiện bền bì, kiên trì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.