(HNM) - Từ đầu năm đến nay, thiên tai liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo để chủ động phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu…
Việt Nam là đất nước dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai. Hơn 70% dân số luôn phải đối mặt với các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai. Trong vòng hai thập kỷ qua, các đợt thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người bị thiệt mạng, giá trị tài sản thiệt hại khoảng 6,4 tỷ USD. Thiên tai trong những năm gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường.
Để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN& PTNT) Trần Quang Hoài, "cần phải lấy phòng ngừa, dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở là chính. Đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, công tác dự báo, cảnh báo phải được coi là giải pháp quan trọng".
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết: Những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã theo dõi chặt chẽ và dự báo sát diễn biến các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban, ngành ở trung ương, địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai… Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay của ngành Khí tượng thủy văn nước ta là việc dự báo mưa lớn mới làm được trong thời gian ngắn, xảy ra theo vùng không gian hẹp. Nguyên nhân là do mạng lưới giám sát mưa lớn còn quá thưa, việc sử dụng các thông tin mưa từ rada, vệ tinh còn hạn chế…
Để nâng cao độ tin cậy, chính xác trong các bản tin cảnh báo, dự báo phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ông Hoàng Đức Cường cho rằng cần thiết phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ dự báo, mạng lưới thám sát thiên tai hiện đại, tiên tiến; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo cán bộ năng lực cao, đáp ứng yêu cầu làm chủ trang thiết bị, kiến thức khoa học mới...
Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học - công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.