Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải vì nhiều lựa chọn?

Bảo Chân| 09/04/2011 06:38

(HNM) - Đến nay, tất cả lao động Việt Nam  tại Libya đã trở về nước an toàn. Tuy nhiên vấn đề "hậu Libya" đang khiến người lao động và cả doanh nghiệp lo lắng.

Người lao động trở về từ Libya được hướng dẫn cụ thể các cơ hội tuyển dụng.


Quá nhiều sự lựa chọn

Trước khi hơn 1.000 lao động cuối cùng rời Libya bằng đường thủy cập cảng, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với 9 doanh nghiệp trong nước để đưa ra phương án hỗ trợ việc làm cho người lao động. Kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là hơn 13.000 vị trí làm việc. Nhưng sau 2 tuần, nhiều doanh nghiệp đã nản chí bởi thủ tục quá phức tạp, chưa kể các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước (đơn vị đưa lao động sang Libya làm việc) không nhiệt tình hợp tác với họ. Người lao động cũng không mấy mặn mà với các công việc được sắp xếp, bởi hầu hết địa điểm làm việc không gần nơi cư trú. Anh Nguyễn Minh Tiến, quê ở Vĩnh Phúc cho biết, đang đợi hoàn tất thanh lý hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động rồi mới tính chuyện đi làm trở lại. Mặc dù anh đã nhận được thông báo nhiều công ty đang  tuyển dụng lao động làm việc ở các nhà máy thủy điện ở Sơn La và Hà Giang, Hòa Bình. Nếu đi, phải làm việc xa nhà trong khi  mức lương cũng chỉ chừng 3-5 triệu đồng/tháng.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay một số doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam đã làm việc với các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Phía đối tác đồng ý tiếp nhận lại lao động ở Libya sang làm việc tại các công trình của họ ở Tanzania - một quốc gia ở phía Đông châu Phi. Một số doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng đề nghị tuyển dụng lao động đã từng làm việc ở Libya làm nghề hàn nóng theo công nghệ mới với điều kiện làm việc và mức lương khá cao và ổn định. Theo các doanh nghiệp XKLĐ thì mức lương mà lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước trên vẫn được giữ nguyên như khi làm việc tại Libya, từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng cho lao động phổ thông.

Chờ phương án chung
Hiện tại, cả doanh nghiệp XKLĐ và người lao động đều trong trạng thái bất an. Ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng cho biết đơn vị  đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng khi đón lao động về nước. Trước đó, có nhiều lao động đã đến trụ sở công ty đề nghị được thanh lý hợp đồng, công ty chưa thể giải quyết, đang chờ hướng dẫn của Cục Quản lý lao động ngoài nước về phương án thanh lý hợp đồng khiến một số lao động về đợt đầu tiên không khỏi bức xúc.

Nhiều công ty XKLĐ khác cũng chịu chung tình trạng, họ vẫn phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại của người lao động mỗi ngày, thậm chí nhiều lao động đã có những hành động thiếu kiềm chế. Đại diện Công ty SONA (trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH) có hơn 2.000 lao động đi Libya cho biết, sẽ ưu tiên thanh lý hợp đồng cho những lao động đã làm việc gần hết thời hạn để họ yên tâm tìm công việc mới trong nước. Còn các đối tượng khác thì buộc phải chờ đợi phương án chung của Bộ LĐ-TB&XH. Hiện tại, số lao động có thời gian làm việc dưới 1 năm của SONA khoảng 900 người.

Đại diện một số doanh nghiệp từng đưa lao động đi làm việc tại Libya đã cùng ngồi lại với nhau để nhìn nhận một cách đầy đủ tình hình, số lượng lao động, phân loại lao động theo thời gian và đề xuất một số phương án hỗ trợ cho lao động để Cục Quản lý lao động ngoài nước trình Bộ LĐ-TB&XH. Hiện tại, các doanh nghiệp đang mong chờ được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước mà trước đây mỗi doanh nghiệp phải đóng phí 1% và mỗi lao động đóng 100.000 đồng để bảo hiểm rủi ro . Theo tính toán thì các doanh nghiệp XKLĐ đã phải tốn hàng chục tỷ đồng để đón người lao động trở về từ Libya. Một vấn đề nữa của doanh nghiệp là còn nhiều đối tác sử dụng lao động đang còn nợ  người lao động từ 1 đến 2 tháng lương.

Ông Lê Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đã có nhiều cuộc họp bàn với doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa chọn ra được phương án hỗ trợ tối ưu nhất. Hiện tại sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa Bộ LĐ-TB&XH mới đưa ra phương án chung. Như vậy, vào hoàn cảnh hiện tại, nếu Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn không có phương án cụ thể thì e rằng mọi chuyện sẽ ngày càng trở nên phức tạp. Người lao động mong mỏi được giải quyết hỗ trợ hợp lý thì mới yên tâm tính toán về những ngày tiếp theo. Với doanh nghiệp XKLĐ, họ cũng đang mong chờ một quy định chuẩn để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp XKLĐ muốn tiếp tục đưa những lao động này đi làm việc tại một số thị trường khác nhưng không thể vì mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ.

Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam:

Cần sự chia sẻ giữa người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước


Sau khi tất cả lao động về gia đình họ an toàn, có rất nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết. Đó là cần có chính sách để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phải đưa một lượng lao động về nước trước hạn mà không thuộc lỗi của họ. Để giải quyết rất cần phải có sự hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước chứ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước không đủ để chi trả cho sự cố này. Đây là sự cố gây thiệt hại cho cả ba bên: người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.

Các doanh nghiệp đưa lao động từ Libya về nước trước hạn hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải vay mượn để có tiền thuê phương tiện đưa lao động ra khỏi Libya và mua vé máy bay cho lao động về nước. Có DN phải ứng trả cả tiền phí môi giới trước lẫn tiền vé bay lượt đi. Tiền môi giới đã chi cho đối tác để có hợp đồng. Để giải quyết quyền lợi cho người lao động trở về từ Libya, tôi nghĩ rất cần có sự thống nhất chia sẻ giữa ba bên… đó là người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước. Hiệp hội XKLĐ cũng đã kiến nghị lên Bộ LĐ-TB&XH nhiều vấn đề trong đó có sự hỗ trợ cho người lao động. Trước mắt, đề nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi thuê phương tiện đưa lao động từ Libya về, đồng thời hỗ trợ hoàn lại phần nào tiền môi giới cho người lao động.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nan giải vì nhiều lựa chọn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.