Cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm Góc ra đề bài cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này: chế tạo phi cơ vận tải cỡ lớn có khả năng thả các máy bay không người lái đi do thám hoặc tấn công, rồi đón chúng trở lại.
Bản vẽ mô phỏng các máy bay không người lái xuất kích rồi quay lại "mẫu hạm trên không". Ảnh: DARPA. |
Hiện tại, Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng (DARPA) chưa tiến gần đến việc chế tạo bất kỳ phi cơ thử nghiệm nào và mới chỉ đơn thuần xem xét các khả năng trên giấy, AFP dẫn lời các quan chức và chuyên gia cho biết.
"Đây mới là giai đoạn đưa ý tưởng ra bàn luận, chưa đến lúc làm nguyên mẫu. Chúng tôi chưa đạt đến mức đó", Peter Singer, tác giả từng viết nhiều về đề tài robot và chiến tranh, nói.
Bản vẽ mô phỏng từ DARPA cho thấy một phi cơ vận tải, khá giống C-130, thả phi đội máy bay không người lái trông tương tự như Predator hoặc Reaper, và đón chúng quay lại.
"Chúng tôi muốn tìm cách để phi cơ nhỏ hơn mang lại nhiều hiệu quả hơn. Và một ý tưởng hứa hẹn là biến các máy bay cỡ lớn hiện có, với sửa chữa tối thiểu, thành 'mẫu hạm trên bầu trời'", Dan Patt, quản lý chương trình DARPA, cho biết trong một thông báo.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ tìm cách thiết lập một phương tiện vận tải trên không. "Ý tưởng này có từ những năm 1920", James Lewis, giám đốc Chương trình Công nghệ Chiến lược tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói.
Các không hạm, được Hải quân Mỹ đóng vào cuối những năm 1920, có thể mang theo một phi đội máy bay hai tầng cánh Sparrowhawk bên trong. Phi đội này sẽ xuất kích sau khi xà treo hạ xuống rồi quay lại và hạ cánh lên tàu mẹ. Hải quân Mỹ khi đó đóng hai không hạm nhưng chúng đều gặp nạn trong những năm 1930, làm hàng chục người thiệt mạng và đặt dấu chấm cho chương trình thử nghiệm.
Trong những năm 1960, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng đặt mua D-21, máy bay không người lái được thiết kế để xuất kích từ một phi cơ khác và sau này là từ oanh tạc cơ B-52, do Lockheed Martin sản xuất.
D-21 có gắn máy quay thực hiện các nhiệm vụ do thám tại Trung Quốc. Chúng sẽ thả máy quay xuống để thu hồi rồi tự hủy. Trong 4 nhiệm vụ, D-21 đều tự hủy thất bại hoặc không thể thu hồi được máy quay. Chương trình này bị "đắp chiếu" vào năm 1971.
Phi cơ trinh sát A-12 đã biến đổi (M-21) chở theo máy bay không người lái D-21. Ảnh: Wikimedia. |
"Máy bay mẹ" cho phép Mỹ sử dụng thiết bị không người lái tại những khu vực Washington không tiếp cận được phi trường. Tuy nhiên, thách thức về mặt kỹ thuật trong việc thu hồi lại một phi cơ robot trên không vẫn còn là chướng ngại lớn, Lewis nhận định.
Nghiên cứu về máy bay mẹ là một phần trong nỗ lực đầu tư vào công nghệ robot tân tiến nhất của Lầu Năm Góc, bởi các chỉ huy quân sự Mỹ nhận thức rõ ràng rằng Trung Quốc, Nga, Iran cùng nhiều nước khác cũng đang tìm cách phát triển phi đội vũ khí không người lái.
Nhóm phương tiện vận tải này được các nhà nghiên cứu xếp vào danh mục robot "có túi". Tại triển lãm vũ khí Chu Hải, Trung Quốc công bố nguyên mẫu một phương tiện bọc thép không người lái chở theo hai robot nhỏ hơn bên trong, gồm một robot theo dõi có trang bị súng máy và một thiết bị bay giám sát.
Tuy nhiên, theo tác giả Singer, các nhà quân đội Mỹ đang tiến gần tới một thiết bị vận tải dưới nước, với phi cơ xuất kích từ ống phóng ngư lôi hoặc ống phóng tên lửa.
"Nếu bạn đang tìm xem có thể nhìn thấy hàng không mẫu hạm ở đâu thì đừng nhìn lên trời, hãy nhìn xuống dưới nước", Singer nói. "Đó chính là nơi có những công trình nghiên cứu thú vị và chiến lược".
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ năm ngoái từng thông báo phóng thử thành công một máy bay không người lái từ tàu ngầm. Robot không người lái bay ra theo ống phóng tên lửa Tomahawk và phần cánh của nó tự trải ra theo kiểu gấp giấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.