(HNM) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặt hái nhiều thành công trong chuyến thăm một ngày tới Ấn Độ. Ngay sau kết thúc cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh ngày 24-12, hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến các quan chức hai bên ký 10 thỏa thuận hợp tác.
Theo đó, Nga sẽ bán cho Ấn Độ 42 máy bay chiến đấu Su-30 trị giá 1,6 tỷ USD và 71 trực thăng quân sự Mi-17 trị giá 1,3 tỷ USD. Với những bước tiến cụ thể đạt được, dư luận cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn đang được củng cố và đi vào chiều sâu.
Thực tế, quan hệ giữa Nga và Ấn Độ được xây dựng và phát triển từ thời "Chiến tranh lạnh". Nga hiện là một trong những bạn hàng quan trọng của Ấn Độ. Từ khi Nga và Ấn Độ ký "Tuyên bố về Quan hệ Đối tác chiến lược" (tháng 10-2000) đến nay, quan hệ song phương Nga - Ấn đã phát triển mạnh mẽ. Hai bên cùng chia sẻ một cấu trúc đối thoại dựa trên các trụ cột: quốc phòng, năng lượng hạt nhân dân sự, vũ trụ, dầu mỏ và khoa học - công nghệ. Theo số liệu của Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 2000 và dự kiến đạt 10 tỷ USD trong năm 2012. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2015. Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất cho Ấn Độ. Từ năm 2000-2010, Nga đã ký các hợp đồng cung ứng vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 30 tỷ USD cho Ấn Độ. Trên phạm vi toàn cầu, New Delhi và Mátxcơva ngày càng có những điểm hội tụ lớn hơn và có quan điểm chung về nhiều vấn đề quốc tế.
Thế nhưng, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng nồng ấm khi Ấn Độ đang ngày càng tỏ ra ưa thích vũ khí của phương Tây. Doanh thu bán các thiết bị quân sự của Mátxcơva cho New Delhi đã giảm đáng kể. Từ chỗ giữ thế độc quyền trong xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ, hiện Nga chỉ còn chiếm 70% thị phần vũ khí của quốc gia Nam Á này.
Tuy nhiên, vượt qua mọi rào cản, Nga và Ấn Độ vẫn khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Trước thềm chuyến thăm, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ấn Độ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Bởi vậy, kết quả của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cũng như những hợp đồng có giá trị lớn được hai bên ký trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao thường niên Nga - Ấn lần thứ 13, được giới phân tích nhìn nhận, là những bước tiến thực chất giữa hai cường quốc hạt nhân. Hai bên cũng thỏa thuận đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí giữa các công ty dầu khí của hai nước…
Dư luận cho rằng, chuyến công du 24 giờ tới Nam Á của Tổng thống V.Putin đã thành công ngoài mong đợi. Với lợi thế về diện tích, điều kiện tự nhiên và dân số, trong thời gian qua, Nga và Ấn Độ đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành hai trụ cột kinh tế trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu và suy thoái kinh tế tại Mỹ, Nhật Bản đã tạo cơ hội để Nga, Ấn Độ gia tăng vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Thêm vào đó, với Mátxcơva, trong khi quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) không "thuận buồm xuôi gió", quan hệ với Mỹ cũng xuất hiện không ít trục trặc thì việc thắt chặt quan hệ với Ấn Độ không những giúp Mátxcơva tăng cường vị thế mà qua đó còn tạo thêm nhiều nguồn lực cho đất nước. Chuyến công du trong mùa Giáng sinh của người đứng đầu nước Nga là mũi tên hướng tới nhiều đích đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.