Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức tăng lương tối thiểu năm 2016 - liệu có khả thi như đã chốt?

Minh Bắc| 14/10/2015 08:16

(HNMO) - Trải qua ba phiên họp, ngày 3/9/2015, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%. Tỷ lệ phiếu đồng thuận mức tăng này đạt tới 90%. Tuy nhiên mức này đang đứng trước nguy cơ không khả thi...

Người lao động luôn coi lương là nguồn sống chủ yếu. Ảnh: Minh Bắc



Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2015 nhưng mới đây một số Hiệp hội doanh nghiệp và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã gửi công văn tới Thủ tướng đề nghị những mức tăng LTT mới rất khác xa nhau. Điều đáng nói là cả hai bên gửi công văn đều là thành viên trong HĐTLQG.

Phía Hiệp hội đề nghị Thủ tướng điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 về mức 6-7%, còn Công đoàn đề nghị mức tăng lên 14,4 %. Quả thực đây là một điều bất ngờ khiến cho thành công sau ba phiên họp của HĐTLQG dễ trở thành “công dã tràng”. Nhìn vào các công văn đề nghị của cả hai phía, có thể thấy lập luận không có gì mới hơn khi đưa ra trước đây.

Cụ thể, Hiệp hội dệt may vẫn cho rằng, việc tăng lương tối thiểu mức 12,4% là một thách thức lớn với các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt trong bối cảnh năm 2018, các doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH cho người lao động dựa trên tổng thu nhập chứ không phải trên mức lương tối thiểu như hiện nay. Trước công văn đề nghị của Hiệp hội dệt may, ngày 5/10/2015 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng vội gửi công văn tới Thủ tướng và đưa ra bốn lý do phải tăng mức lương tối thiểu. Đó là do tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng cao, GDP đạt 6,5%. Dự báo kinh tế xã hội 2016 có nhiều triển vọng và thuận lợi hơn năm 2015, mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,8%; do phải thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Lao động và lộ trình đến 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2018; Đời sống của người lao động quá khó khăn; Doanh nghiệp hoàn toàn có đủ điều kiện để trả lương như vậy, có thể kiểm chứng qua cơ quan thuế. Nói chung các lập luận này cũng không có gì mới hơn và đã được đặt lên bàn nghị sự.

Còn quan điểm của VCCI, "danh chính ngôn thuận" là cơ quan đại diện cho giới sử dung lao động thì hoàn toàn ủng hộ quyết định của Hội đồng tiền lương quốc gia. Đại diện của VCCI cho biết, phải tôn trọng quyết định của Hội đồng tiền lương. Hội đồng tiền lương quyết định rồi thì các bên phải cam kết, tuân thủ quyết định chung của Hội đồng tiền lương quốc gia. Nếu phát biểu khác quyết định đó tức là không tuân thủ nguyên tắc hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Tại sao lại có chuyện lạ như vậy nhưng khi bỏ phiếu lựa chọn đạt đến 90%? Liệu có phải lợi ích giữa các bên chưa được cân bằng?

Tìm hiểu nguyên nhân về việc này cho thấy có ba vấn đề cần phải xem xét lại nếu muốn kết quả của HĐTLQG đưa ra cho năm sau thực sự đồng thuận trong xu thế đoàn kết của các bên.

Thứ nhất, đó là quy định tính đại diện cho mỗi bên. Chính phủ cần quy định rõ tính đại diện cho VCCI. Nếu coi VCCI là đại diện cho giới sử dụng lao động thì các Hiệp hội cần phải đồng nhất quan điểm với VCCI. Hay nói cách khác “các gói” để VCCI đưa ra trên bàn hội nghị phải được thống nhất trong giới chủ, chưa thống nhất thì phải bàn cho thống nhất. Ngược lại phía Công đoàn cùng vậy. Các tổ chức Công đoàn, nghiệp đoàn ngành nghề… đều phải thống nhất với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về các mục tiêu đặt ra để bảo vệ quyền lợi người lao động. Đây là điều tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như hiện nay.

Thứ hai, vấn đề mà hai bên tranh cãi kịch liệt đó cách xác định mức sống tối thiểu, tính năng suất lao động, tính hiệu quả kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp. Con số đưa ra qua khảo sát của các bên đưa ra đều khác nhau xa. Cần phải thống nhất được cách tính, cách hiểu của mỗi bên thì bộ phận kỹ thuật của mỗi bên tính toán sẽ đơn giản hơn.

Thứ ba, phía chính phủ cũng cần có một bộ phận kỹ thuật để kiểm chứng độc lập các kết quả đưa ra của bộ phận kỹ thuật cả hai bên.

Trong thời gian tới đây, Chính phủ sẽ phải quyết một mức tăng LTT nào đó phù hợp, đủ sức thuyết phục cả hai bên. Thiết nghĩ con số mà HĐTLQG đưa ra dù muốn hay không thì nó vẫn là thích hợp nhất lúc này. Từ năm sau trở đi, HĐTLQG có thể đưa ra những cơ chế hoạt động mới để giải quyết tốt ba vấn đề trên và sẽ giúp cho HĐTLQG làm việc hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mức tăng lương tối thiểu năm 2016 - liệu có khả thi như đã chốt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.