Từ 1-7-2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu.
Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Dự thảo Nghị định đưa ra mức lương tối thiểu áp dụng từ 1-7 tăng 6% so với hiện hành. Với đề xuất này, lương vùng I nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng II là 4,41 triệu đồng; vùng III là 3,86 triệu đồng và vùng IV đạt 3,45 triệu đồng.
Cùng với lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu theo giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng I lên 23.800 đồng/giờ; vùng II lên 21.200 đồng/giờ; vùng III là 18.600 đồng/giờ; vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.
Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức điều chỉnh này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm 2024, để cải thiện phần nào cuộc sống cho người lao động.
Mức lương tối thiểu vùng này cũng được cho là cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025, tức là cơ quan xây dựng chính sách đã tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024.
Theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo công thức: Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu với lao động nam là đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Đối với lao động nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động, mỗi năm nghỉ hưu sẽ bị trừ 2% vào tổng tỷ lệ hưởng (có thời gian lẻ dưới 6 tháng không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên tính mức giảm là 1%).
Như vậy, lương hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương đóng hằng tháng.
Do đó, nếu tăng mức lương tối thiểu vùng có thể làm tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Như vậy, nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu sau này, người lao động cũng được hưởng lợi khi mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.