(HNM) - Tôi quê ở Hải Dương nên thời thơ ấu chỉ biết về Hà Nội qua sách giáo khoa. Một ngày chủ nhật mùa hè năm 1966, ông Nguyễn Kinh Luân bác họ của tôi - kỹ sư chế tạo máy, công tác tại Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo (nay là Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng), đồng thời là thành viên tổ xung kích bảo vệ nhà máy, mang về một tờ Báo Hànộimới. Trong đó, báo có đăng chuyện về lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã kiên cường cứu Tổng kho xăng dầu Đức Giang bị máy bay Mỹ ném bom giữa trưa 29-6-1966.
Với lòng cảm phục sâu sắc, tôi đã dùng các chi tiết về hành động dũng cảm của các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy làm dẫn chứng cho bài tập làm văn nghị luận lớp 7 về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong sản xuất và chiến đấu chống ngoại xâm. Đây là chủ đề trung tâm của môn văn học trong trường phổ thông ở miền Bắc hồi bấy giờ. Tôi được thầy giáo khen. Tôi khoe điều đó với bác Luân…
Sau đó, mỗi lần về quê, bác lại cho tôi những tờ Báo Hànộimới mà bác lưu giữ. Tôi say sưa đọc, khai thác triệt để các chi tiết từ chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện” như: Chị công nhân Nhà máy Dệt 8-3 nhường hố cá nhân cho người lớn tuổi hơn tránh bom giặc; anh chiến sĩ sao vuông nhường suất bánh mì cho một học sinh lớp 4 vừa cùng mẹ từ nơi sơ tán trở về phố Hàng Ngang…; những chi tiết phê bình thói hư, tật xấu như anh chàng hay đánh vợ, những người lười lao động xa hoa, phung phí… Rồi tùy theo yêu cầu của từng đề văn, tôi dùng những chi tiết ấy làm dẫn chứng. Nhờ đó, các bài tập của tôi thêm sinh động, thường xuyên được thầy cô biểu dương.
Thế rồi “Mỗi ngày một chuyện” và tôi thành “đôi tri kỷ”. Tôi học được nhiều điều ở chuyên mục này, nhất là vẻ giản dị của ngôn từ, cách dẫn chuyện, phương pháp lập mối liên hệ giữa bản chất sự việc, hiện tượng với tính định hướng đối với người đọc.
Từ khi nhập ngũ, tôi có nhiều năm ở Hà Nội. Chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện” của Báo Hànộimới với tính thời sự đặc biệt đã mang đến cho tôi và đồng đội những điều tâm đắc, khích lệ tôi viết bài cho chuyên mục. Cũng nhờ đó, tôi có cơ hội biết thêm về mối quan hệ giữa chuyên mục với người viết, người đọc. Đúng như tác giả Đoàn Trần Khoát hơn 90 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng nhận xét: “Mỗi ngày một chuyện là chuyên mục độc đáo, dễ đọc lại mang ý nghĩa vừa xây, vừa chống.
Rất thú vị!”. Qua quan sát, tôi thấy những người nghỉ hưu, cựu chiến binh, nhà giáo, cán bộ lãnh đạo ở cơ sở… đọc Báo Hànộimới không bao giờ quên chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện”. Người bận việc vẫn ưu tiên đọc “Mỗi ngày một chuyện” trước... Những độc giả không hề “dễ tính” này đều yêu mến Người Xây Dựng trong “Mỗi ngày một chuyện”. Họ bàn tán: “Cái ông Người Xây Dựng vừa tâm, vừa tài! Với chuyện gì ông ấy cũng có lời bình luận chí lý, chí tình. Ai cũng muốn làm theo. Ví như chuyện “Gặp nhiều người tốt” đăng ngày 25-8-2019, ông ấy bình: Đi đường khó tránh chuyện không may/ Được nhiều người tốt giúp đỡ ngay/ Văn hóa ứng xử nơi công cộng/ Mong được nhân lên nét đẹp này. Nghe “vào tai” lắm!”. Họ còn cho rằng, những người biết điều hơn lẽ thiệt, có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng thì đều có thể trở thành “người thân” của Người Xây Dựng - Một cảm nhận đáng trân quý!
Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thanh Bình ở ngõ 71 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội đến gặp tôi. Với vẻ mặt quan trọng, bà hỏi tôi: “Ông viết báo, có biết chỗ ở của Người Xây Dựng ở đâu không?”. Hóa ra là, bà Bình muốn trực tiếp hoan nghênh Người Xây Dựng về bài “Chỉ sáng đến nửa đêm” đăng trên Báo Hànộimới ngày 17-10-2018, phản ảnh về đèn chiếu sáng ở ngõ ấy cứ 23h là tắt, làm cho những người lao động ban đêm khi trở về nhà, đi trong ngõ tối lo âu. Sau khi bài báo đăng, cơ quan chức năng đã khắc phục để đèn chiếu sáng suốt đêm nên người dân cả ngõ rất phấn khởi.
Đặc biệt, từ năm 2013, Ban Biên tập Báo Hànộimới tổ chức cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” hằng năm, có quy chế chặt chẽ và chỉ đạo nội dung sát với thực tiễn cuộc sống của thành phố. Ai cũng có thể tham gia được với số bài không hạn chế. Cách thức thể hiện dễ hiểu, chân thực, kịp thời và thiết thực. Mỗi bài viết là một tiểu phẩm có lời bình, định hướng suy nghĩ và hành động, có hiệu ứng lan tỏa tức thì đã thu hút hàng trăm tác giả và đông đảo độc giả. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đồng hành, tài trợ. Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Amway Việt Nam (lần thứ ba liên tiếp đồng hành) bày tỏ: “Các tác phẩm được đăng tải mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, giúp lan tỏa những giá trị văn hóa xã hội tích cực, đồng thời phê phán những việc làm sai trái, sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn".
“Mỗi ngày một chuyện” là chuyên mục “hữu duyên” trong quá trình sinh sôi cái mới tiến bộ, đào thải cái lạc hậu. Bởi vậy, nó như “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Hiện tại, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, đang là hai lĩnh vực nóng hổi, đầy cảm hứng đối với người viết “Mỗi ngày một chuyện”. Ngay tại Tòa soạn Hànộimới cũng có “Mỗi ngày một chuyện”. Một lần đi nhận nhuận bút, từ đầu lối vào phòng tài chính, tôi nhìn thấy chị nhân viên nét mặt đượm buồn! Song, khi đến gần thì tôi lại thấy nụ cười ấm áp của chị.
Đối chiếu các bài viết “Mỗi ngày một chuyện” của tôi được đăng, chị tìm ra 3 bài mà tôi quên cập nhật. Chị nhắc tôi thống kê rõ tên các bài viết để giao dịch được nhanh chóng hơn. Xong việc, tôi hỏi chị có điều gì buồn. Chị nhã nhặn giãi bày, là vừa bị lãnh đạo phê bình vì để tiền nhuận bút của tác giả tồn đọng nhiều tháng. Hóa ra là tại tôi! Chị đã từng gọi điện nhắc tôi đến nhận tiền nhuận bút nhiều lần. Nhưng tôi cứ lần lữa… Tôi nhận lỗi. Chị cười hiền lành: “Trả nhuận bút kịp thời là một yêu cầu thường trực của Báo Hànộimới. Chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng văn hóa công sở mà anh!”. Chị đã yêu cầu tôi “sửa sai” một cách rất văn hóa!
Với tôi, “Mỗi ngày một chuyện” luôn luôn là người đồng hành tri kỷ. Cảm ơn người đã đề ra “đặc sản" “Mỗi ngày một chuyện” góp phần làm cho đời sống của nhân dân Thủ đô, con người Thủ đô, trong đó có gia đình và bản thân những người viết cho Báo Hànộimới ngày càng thêm tươi đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.