(HNM) - Khoảng 10h ngày 13-11, bà Lê Thu Hòa ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) đi xe buýt số 01 lên phố Khâm Thiên. Xe vừa chạy qua hầm chui ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, bà Hòa giật mình bởi tiếng đập tay vào thành xe...
- Họ, họ lại. Cho xuống với bác tài ơi!
Một phụ nữ chừng hơn 30 tuổi mặc áo đỏ ngồi cạnh đó ngoái lại, giọng cong cớn:
- Đây là xe buýt có phải thích dừng chỗ nào thì dừng đâu. Đúng là đồ nhà quê...
Mặc dù phải nghe những lời khó lọt tai, nhưng người phụ nữ dáng vẻ quê mùa có lẽ mới đi xe buýt lần đầu đã lờ mờ hiểu quy định dừng đỗ nên lặng lẽ trở về chỗ ngồi.
Thấy vậy, bà Hòa lại gần người phụ nữ mặc áo đỏ và nói nhỏ:
- Cháu ơi, giải thích cho người chưa biết là tốt, song nên chọn cách nói nhẹ nhàng hơn...
Nghe lời góp ý của bà Hòa, người phụ nữ nọ xem chừng nhận ra sự thái quá của mình liền nói:
- Vâng, cháu xin rút kinh nghiệm!
Kể lại chuyện này với Người Xây Dựng, bà Hòa nói: Nhiều người ở các vùng nông thôn, miền núi vẫn có thói quen lên, xuống xe khách không đúng điểm dừng đỗ, thế nên khi ra thành phố, lần đầu tiên đi xe buýt họ vẫn tư duy theo thói quen cũ như trường hợp trên. Vì vậy, giải thích để người chưa biết nắm được quy định là cần thiết, nhưng cũng không nên có lời nói khó nghe. Bởi, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.