Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo ngại trước sự cực đoan

Hoàng Linh| 15/05/2018 06:06

(HNM) - Trong khi dư âm về các vụ tấn công diễn ra sáng 13-5 nhằm vào ba nhà thờ tại TP Surabaya chưa kịp lắng xuống, dư luận thế giới lại chấn động vì chỉ ít giờ sau đó, hai vụ nổ bom khác lại xảy ra tại địa phương này.

Theo Phát ngôn viên Cảnh sát tỉnh Đông Java Frans Barung Mangera, vụ đánh bom tại sở chỉ huy của cảnh sát Surabaya cũng do một gia đình gồm 5 người đi trên 2 chiếc xe gắn máy tiến hành, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có 4 kẻ khủng bố. Ngoài ra, 6 dân thường và 4 sĩ quan cảnh sát bị thương.

Cảnh sát Indonesia tiếp cận hiện trường một trong ba nhà thờ tại Surabaya bị đánh bom sáng 13-5.


Trước đó, vụ đánh bom hàng loạt với các đợt tấn công cùng lúc ba nhà thờ tại Surabaya được xác định do một gia đình gồm 6 người (vợ, chồng và 4 người con ở độ tuổi 9 đến 18) tiến hành. Ba vụ nổ nói trên khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và 41 người bị thương.

Cập nhật mới nhất từ giới chức Indonesia cho biết, gia đình tham gia vụ đánh bom này không nằm trong số công dân đã trở về từ Syria như thông báo ban đầu. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định người cha chính là kẻ cầm đầu một nhánh của tổ chức Jemmah Ansharut Daulah (JAD), mạng lưới khủng bố với quan điểm ủng hộ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vốn được Cơ quan Chống khủng bố quốc gia Indonesia coi là nguy hiểm nhất tại đảo quốc này. Cùng ngày, cảnh sát Indonesia cũng đã tiêu diệt 4 nghi phạm tại Cianjur (Tây Java) và bắt giữ 2 đồng phạm khác đều là thành viên của JAD. Tuy IS lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ tấn công, nhưng cảnh sát Indonesia đã bác bỏ sự dính líu trực tiếp của lực lượng này.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới hiện trường thị sát, đồng thời ra tuyên bố lên án các vụ tấn công là hành động "man rợ", cướp đi mạng sống của nhiều người vô tội. Ông đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát truy tìm thủ phạm và triệt phá mạng lưới của những kẻ đã gây ra các vụ tấn công.

Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, tướng Tito Karnavian cho biết, các đối tượng đánh bom liều chết ở TP Surabaya, tỉnh Đông Java được huấn luyện bài bản để qua mặt các cơ quan chống khủng bố. Các đối tượng này đã liên lạc với nhau qua internet nhằm qua mặt cơ quan tình báo cũng như các cơ quan chống khủng bố. Trong một số vụ bắt giữ trước đó, cảnh sát Indonesia đã thu được nhiều loại sách, tài liệu hướng dẫn về cách thức liên lạc cũng như tiến hành các hành động khủng bố.

Có thể thấy, quy mô các vụ tấn công tại Surabaya đang thực sự gây ra những lo ngại về sự phát triển của mạng lưới cực đoan tại Đông Java, khu vực rất đông dân cư vốn tiềm ẩn nhiều phức tạp liên quan tới các phiến quân Hồi giáo. Phát biểu sau vụ việc, Tổng thống Joko Widodo nhận định đây là những vụ tấn công “hèn hạ, không đàng hoàng và vô nhân đạo”, đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy triển khai đạo luật chống khủng bố mới, kể cả khi quốc hội nước này không thông qua.

* Được tin đã xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại TP Surabaya (Indonesia), đặc biệt là vụ nổ bom tại 3 nhà thờ vào sáng 13-5, làm nhiều thường dân chết và bị thương, ngày 14-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

* Ngày 14-5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các vụ tấn công khủng bố xảy ra vừa qua tại TP Surabaya, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố xảy ra vừa qua tại Surabaya. Việt Nam ủng hộ Chính phủ Indonesia trong nỗ lực chống khủng bố và tin rằng những kẻ chủ mưu của vụ tấn công sẽ bị trừng trị thích đáng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại trước sự cực đoan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.