(HNM) - Những thông số trong Báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) luôn có ý nghĩa rất quan trọng. Chỉ số PAPI là kênh thông tin giúp các địa phương tham khảo, đánh giá khách quan hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh và cơ sở...
Điều đáng mừng là các chỉ số PAPI năm 2018 cho thấy có sự thay đổi tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kết quả khảo sát chỉ rõ tỷ lệ người dân bị chính quyền địa phương ép buộc đóng góp cho dự án mới/tu sửa công trình công cộng tại địa phương giảm. Khoảng 50% những người đóng góp cho biết đã đóng góp tự nguyện trong năm 2017, 2018, cao hơn so với tỷ lệ 45% trước năm 2017. Ngoài ra, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã, phường. Tuy nhiên, công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện...
Đối với Hà Nội, mặc dù những chỉ số vẫn đạt mức khá như: Thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công, song chỉ số PAPI năm 2018 của thành phố về tổng thể vẫn ở nhóm thấp điểm so với các tỉnh, thành phố trên cả nước khi chỉ đạt 42,32 điểm (trên thang điểm 80). Kết quả này rõ ràng chưa đạt mục tiêu đề ra là xếp trong nhóm trung bình của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, với một đô thị lớn và có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội, để vận hành một bộ máy hành chính lớn không hề đơn giản. Với các chỉ số lần này, chúng ta cần phải nhìn nhận lại những khó khăn, hạn chế để tiếp tục nỗ lực phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Để cải thiện chỉ số PAPI trong năm 2019 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ hàng đầu là mỗi cán bộ, công chức cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của chỉ số PAPI gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị. Mục tiêu chung là xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Trong đó, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính như: Rà soát, hoàn thiện và công bố kịp thời các thủ tục; công khai, minh bạch các thủ tục, quy định... Trước mắt, cần tập trung vào các lĩnh vực mà người dân còn phàn nàn như: Đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tư pháp, hộ tịch, hộ khẩu… theo hướng thuận lợi nhất cho người dân.
Cùng với đó, Sở Nội vụ tại các địa phương cần tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra công vụ định kỳ và đột xuất việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn. Sở Tư pháp tổ chức đoàn kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính; cắt giảm, bãi bỏ khi điều kiện cho phép. Các cơ quan chức năng tại các địa phương đáp ứng điều kiện về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật cũng cần tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân mà thời gian qua, Hà Nội là một điểm sáng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính trên phương tiện truyền thông...
Chỉ số PAPI không chỉ là những con số thông thường mà còn là công cụ để lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với các cấp chính quyền... Sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, xét cho cùng, chính là thước đo hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.