Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI

Hiền Thu| 25/04/2023 06:10

(HNM) - Chỉ số tổng hợp PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) năm 2022 của Hà Nội đạt 43,9049 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu (nhóm 1). Tuy nhiên, so với năm 2021, Chỉ số tổng hợp PAPI 2022 của Hà Nội giảm (năm 2021 đạt 44,45 điểm) và có tới 5/8 chỉ số thành phần giảm. Do đó, bên cạnh việc phát huy kết quả tích cực, thành phố sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI năm 2023.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Nguyễn Quang

Bứt phá vượt kế hoạch

Kết quả Chỉ số PAPI của Hà Nội trong hai năm 2021 và 2022 có sự bứt phá so với giai đoạn 2016-2020, từ thứ hạng thuộc nhóm các tỉnh/thành phố thấp nhất (nhóm 4) đã vươn lên vị trí các tỉnh/thành phố cao nhất (nhóm 1), vượt chỉ tiêu thứ hạng phấn đấu đề ra đến cuối nhiệm kỳ 2021-2026 (xếp thứ 23, nhóm 3).

Chỉ số PAPI 2022 của Hà Nội có 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “cao” gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,8254 điểm, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” đạt 5,7770 điểm. Bốn chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình cao” gồm: “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,3707 điểm; “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,8007; “Thủ tục hành chính công” đạt 7,3101 điểm; “Quản trị điện tử” đạt 3,6578 điểm. Một chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình thấp” là “Cung ứng dịch vụ công” đạt 7,2294 điểm; 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “thấp” là “Quản trị môi trường” đạt 2,9338 điểm.

Trước đó, năm 2021, Hà Nội không có nhóm chỉ số nội dung nào nằm trong nhóm điểm trung bình thấp; có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm trung bình cao là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Cung ứng dịch vụ công”; và 3 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất là “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Thủ tục hành chính công”, “Quản trị điện tử”; 1 chỉ số nội dung “Quản trị môi trường” nằm trong nhóm điểm thấp nhất.

Phân tích về kết quả này, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, thành phố Hà Nội đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây về Chỉ số PAPI khi đã vươn lên ở trong nhóm cao, nhiều năm trước Hà Nội chỉ ở trong nhóm “trung bình thấp” và “thấp”.

Nhìn lại năm 2022 có thể thấy, thành phố Hà Nội đã quan tâm, sớm ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo; Sở Nội vụ đã tổ chức 5 hội nghị triển khai nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI (khối xã, phường, thị trấn) với sự tham dự của đại diện 6 quận, huyện và chủ yếu là lãnh đạo các xã, phường, thị trấn (tổng số đã có 600 người tham gia 5 hội nghị). Tại các hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ và Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) đã cung cấp thông tin về Chỉ số PAPI, kết quả Chỉ số PAPI những năm qua cũng như trọng tâm công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2022 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội. Qua đó, cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã nhận thức sâu sắc hơn về Chỉ số PAPI, đánh giá các nội dung đã làm được, chưa làm được và đề ra những giải pháp thiết thực.

Mặc dù, Chỉ số PAPI khảo sát chỉ ở 12 xã, phường, thị trấn (năm 2022 khảo sát các xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Phúc Thọ), nhưng lại đánh giá kết quả trên toàn thành phố. Vì vậy, các địa phương xác định rõ tầm quan trọng của chỉ số này, thực hiện tốt việc công khai các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến… Nhiều đơn vị đã đổi mới, sáng tạo cách thức thông tin từ chính quyền đến nhân dân bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội Zalo, Viber…, nên việc tuyên truyền chính sách, pháp luật được lan tỏa nhanh chóng tới các tầng lớp nhân dân.

Người dân đánh giá chất lượng phục vụ của công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” UBND quận Ba Đình bằng màn hình cảm ứng sau khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Đỗ Tâm

Những giải pháp để cải thiện

Bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng: “Chỉ số PAPI không xếp hạng các địa phương, do đó, thành phố Hà Nội cần nhìn sâu vào từng chỉ tiêu chứ không phải là thứ hạng”.

Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, có tới hơn 75% nội dung trong Chỉ số PAPI liên quan chặt chẽ với trách nhiệm trực tiếp của UBND xã, phường, thị trấn. Do đó, muốn cải thiện Chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội thì chủ yếu cần cải thiện từ chính chất lượng hoạt động của chính quyền cấp xã.

Sau khi Chỉ số PAPI năm 2022 được công bố, Sở Nội vụ Hà Nội đã có báo cáo nhanh về nội dung này. Trong đó, Hà Nội xếp thứ 12, đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, báo cáo cũng phân tích, so với năm 2021, chỉ số tổng hợp PAPI 2022 giảm 0,55 điểm. Về chỉ số nội dung có 5/8 chỉ số nội dung giảm là: “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công”, “Cung ứng dịch vụ công”, “Quản trị môi trường”. Chỉ có 3/8 chỉ số nội dung tăng là: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Quản trị điện tử”.

Nguyên nhân giảm điểm chỉ số tổng hợp là do người dân đánh giá: Việc tiếp nhận thông tin chính sách, pháp luật từ chính quyền chưa kịp thời, hữu ích, tin cậy, phải chi phí để lấy thông tin; chưa được biết, chưa được tham gia ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa biết nơi công khai bảng giá đất, chưa biết mục đích thu hồi đất; tình trạng, mức độ tham nhũng của cán bộ, công chức tại địa phương tăng lên ở các vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng... Người dân cũng đánh giá giảm đối với chất lượng dịch vụ công ích của thành phố (y tế và bảo hiểm y tế; giáo dục tiểu học; cung cấp điện…)… 

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường cho biết, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ lập báo cáo phân tích chi tiết, đánh giá những mặt đạt được, những tồn tại, xác định nguyên nhân và giải pháp thực hiện; tham mưu UBND thành phố xây dựng Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố năm 2023 bảo đảm khả thi, hiệu quả. Sở cũng sẽ tổ chức hội nghị tuyên truyền và tham mưu các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện.

“UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường và thị trấn cần chủ động triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi có hiệu lực (từ ngày 1-7-2023) với các văn bản hướng dẫn; đồng thời, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch khắc phục, cải thiện Chỉ số PAPI năm 2023…”, ông Mai Xuân Trường chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.