Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố PAPI năm 2022: Hà Nội thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất

Phong Thu| 12/04/2023 13:49

(HNMO) - Sáng 12-4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022. Thông tin đáng chú ý, Hà Nội thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất.

Quang cảnh lễ công bố.

Người dân lạc quan về kinh tế

Phát biểu khai mạc, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công”.

PAPI năm 2022 tiếp tục đo lường 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. PAPI năm 2022 phỏng vấn 16.117 người (cao nhất từ trước tới nay) được lựa chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Các đại biểu dự lễ công bố.

Cũng theo bà Ramla Khalidi, báo cáo PAPI 2022 phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của đại dịch. Báo cáo cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong năm thứ hai của nhiệm kỳ 2021-2026, và cho thấy sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương, trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; 18 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và 30 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “quản trị điện tử”.

Tuy nhiên, 29 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung “quản trị môi trường”; 18 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”; 18 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung “cung ứng dịch vụ công”.

Những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế - xã hội của hai năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua. Đáng chú ý, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022, tăng 19,4% so với năm 2021; tỷ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là “kém” là 6,1% - giảm 13,7% so với tỷ lệ 19,8% của năm 2021...

Để đóng góp cho chương trình xây dựng và thực thi pháp luật năm 2023, Báo cáo PAPI 2022 cũng phân tích kết quả khảo sát công dân về một số vấn đề nhằm cung cấp dẫn cứ cho việc thảo luận sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị thực thi Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022. Có tới 70% số người được hỏi không biết giá đất trên thị trường hoặc không biết giá đất chính thức do địa phương ban hành. Đây có thể là kết quả của sự hạn chế trong nhận thức và thiếu sự tham gia của người dân vào công tác lập kế hoạch sử dụng đất ở địa phương…

TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại lễ công bố.

Tại hội nghị Công bố báo cáo PAPI 2022, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, 14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hà Nội đạt 43,9049 điểm, thuộc nhóm cao

Chỉ số tổng hợp PAPI 2022 của Hà Nội đạt 43,9049 điểm. Với kết quả này, Hà Nội nằm trong nhóm “cao”, gồm 15-16 tỉnh, thành phố đạt tổng điểm PAPI 2022 từ 43,44 đến 47,88 điểm. Nhóm “trung bình - cao” gồm các tỉnh, thành phố đạt tổng điểm từ 42,1 đến 43,25 điểm; nhóm “trung bình - thấp” gồm các tỉnh, thành phố đạt tổng điểm từ 40,74 đến 42,14 điểm; nhóm “thấp” gồm các tỉnh, thành phố đạt tổng điểm từ 38,80 đến 40,72 điểm (dữ liệu của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang bị nhiễu do yếu tố chủ quan, do đó không được đưa vào báo cáo PAPI).

Tổng hợp kết quả PAPI 2022 của các tỉnh, thành phố.

Chỉ số PAPI 2022 của Hà Nội có 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “cao” gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đạt 5,8254 điểm, “công khai trong việc ra quyết định với người dân”, đạt 5,7770 điểm. 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình cao” gồm: “Trách nhiệm giải trình với người dân”, đạt 4,3707 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, đạt 6,8007; “thủ tục hành chính công”, đạt 7,3101 điểm; “quản trị điện tử”, đạt 3,6578 điểm. 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình thấp” là “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,2294 điểm; 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “thấp” là “quản trị môi trường”, đạt 2,9338 điểm.

Trước đó, năm 2021, Hà Nội không có nhóm chỉ số nội dung nào nằm trong nhóm điểm trung bình thấp; có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm trung bình cao là “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “cung ứng dịch vụ công”; và 3 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất là “công khai, minh bạch”, “thủ tục hành chính công”, “quản trị điện tử”; 1 chỉ số nội dung “quản trị môi trường” nằm trong nhóm điểm thấp nhất.

So với năm 2021, Chỉ số tổng hợp PAPI 2022 của Hà Nội cũng giảm (năm 2021 đạt 44,45 điểm).

Các chuyên gia trao đổi về các nội dung của PAPI.

Như vậy, so với năm 2021, Hà Nội có chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” có sự cải thiện; 5 chỉ số “công khai trong việc ra quyết định với người dân”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “thủ tục hành chính công” và “quản trị điện tử” đang “dậm chân tại chỗ”; 2 chỉ số “cung ứng dịch vụ công” và “quản trị môi trường” sụt giảm qua hai năm 2021 và 2022.

Theo TS Đặng Hoàng Giang, thành phố Hà Nội đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây về Chỉ số PAPI khi đã vươn lên ở trong nhóm cao, nhiều năm trước Hà Nội chỉ ở trong nhóm “trung bình thấp” và “thấp”.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2022, 16.117 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 14 năm qua, có tới 178.243 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bố PAPI năm 2022: Hà Nội thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.