Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán với 83 dự án, 25 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 8 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc mới ký ban hành Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Theo đó, 234 đoàn kiểm toán sẽ thực hiện kiểm toán tại 216 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán (tăng 21 đơn vị, chủ đề kiểm toán, đầu mối so với KHKT năm 2016).
KTNN sẽ tổ chức kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 13 bộ, cơ quan trung ương và 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lựa chọn 8 chủ đề để tổ chức kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động.
Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán tại 216 đầu mối, đơn vị, chủ đề trong năm 2017. (Ảnh minh họa: Internet) |
Đối với lĩnh vực chuyên đề, lựa chọn 27 chuyên đề để tổ chức kiểm toán; đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án tổ chức 59 cuộc kiểm toán với 83 dự án, trong đó có 20 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án BOT kết hợp BT và 14 dự án sử dụng vốn ngoài nước.
Đối với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng tổ chức kiểm toán tại 34 đầu mối, gồm ngân hàng nhà nước; 25 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 8 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng, trong đó có 2 ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng...
Theo KTNN, kế hoạch kiểm toán năm 2017 của KTNN tập trung kiểm toán đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, NSNN năm 2016 làm căn cứ để HĐND, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2016.
Trong đó tập trung đánh giá việc thực hiện Luật NSNN việc chấp hành dự toán thu, chi NSNN; các giải pháp tổ chức quản lý, điều hành ngân sách trong các nghị quyết của Quốc hội; nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong lĩnh vực đầu tư dự án, kiểm toán việc thực hiện Luật Đầu tư công, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng kiểm toán các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT; Hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Các biện pháp xử lý nợ đọng và đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước.
Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, tập trung kiểm toán để đánh giá: tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản, vốn nhà nước, đầu tư xây dựng, quy hoạch, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém (các ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng) và việc tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý sở hữu chéo, nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Kiểm toán nhà nước cũng tập trung kiểm toán một số chuyên đề lớn như: Công tác quản lý nợ công để đánh giá tính trung thực, hợp lý của các báo cáo nợ công năm 2016; tính đồng bộ, đầy đủ, hợp lý, khả thi trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nợ công, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ.
Công tác quản lý, sử dụng đất các dự án giao đất đô thị, khu kinh tế, đất tái định cư và đất nông, lâm trường để đánh giá việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, nguồn thu từ việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản để đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản gắn với việc bảo vệ môi trường.
Kiểm toán tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và việc sử dụng giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước để góp vốn đầu tư các dự án bất động sản của các doanh nghiệp nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp được kiểm toán, hiệu quả, hiệu lực việc sử dụng giá trị lợi thế quyền sử dụng đất nhà nước để góp vốn đầu tư các dự án bất động sản của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, năm 2017, KTNN tiếp tục lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện năm 2016 và một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm, một số chương trình - dự án sử dụng vốn vay ngoài nước và hoạt động quản lý đầu tư xây dựng của một số Tập đoàn kinh tế... với quy mô hợp lý để tổ chức đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.../.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.