Sáng 15-2, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm, gặp mặt đầu Xuân tại Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn...
Điểm lại những kết quả công tác quan trọng, khá toàn diện của toàn ngành Kiểm toán Nhà nước trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước đã bám sát, phục vụ rất tốt, đắc lực cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Hoạt động kiểm toán đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Kiểm toán Nhà nước đã tích cực, chủ động tham gia, đóng góp hiệu quả vào các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện tốt các nhiệm vụ được Quốc hội giao như: các cuộc kiểm toán về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội được giao tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới, có ý kiến chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ báo cáo ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 để Quốc hội xem xét, quyết định và được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Chúc mừng những thành tích rất xuất sắc mà Kiểm toán Nhà nước đã đạt được trong năm 2023, nhấn mạnh về nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị Ban Cán sự đảng, Đảng ủy và tập thể lãnh đạo ngành Kiểm toán Nhà nước tiếp tục quán triệt, khơi dậy khí thế thi đua lập thành tích thiết thực nhất kỷ niệm 30 năm thành lập ngành Kiểm toán Nhà nước.
Cùng với đó là nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, hướng đến mục tiêu "xây dựng Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm toán tài chính công có uy tín và có trách nhiệm". Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác kiểm toán gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, mà nếu "không có uy tín, không có trách nhiệm" thì bản thân trách nhiệm giải trình cũng không được thực hiện 1 cách đầy đủ, nghiêm túc.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu làm tốt hơn vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với người dân, không chỉ ở cấp Trung ương, của các cơ quan, bộ máy nhà nước trước Quốc hội mà còn ở các cơ quan dân cử địa phương. "Làm tốt trách nhiệm giải trình sẽ khẳng định uy tín của cơ quan Kiểm toán Nhà nước đối với đất nước", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh năm 2024 là năm tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tăng tốc để có thể về đích, hoàn thành mục tiêu về kinh tế, xã hội cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Thời gian chỉ còn 2 năm, Kiểm toán Nhà nước cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, trên tinh thần "thà ít mà tốt", làm đến nơi, đến chốn, có trọng tâm, trọng điểm, đi đến tận cùng vấn đề.
Với nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi tinh thần "trách nhiệm gắn với uy tín", Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước bám sát các chương trình công tác của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ ngày càng đắc lực hơn nữa cho Quốc hội trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung xây dựng pháp luật. Kiểm toán Nhà nước chú trọng quan tâm kiểm toán việc thực hiện các chính sách vĩ mô của nền kinh tế, định hướng công tác của Kiểm toán nhà nước phải phục vụ cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế, chính sách.
Theo Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị, Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát Luật Kiểm toán nhà nước trước ngày 31-12-2024.
Kiểm toán Nhà nước bám sát và tham gia, đóng góp hiệu quả vào các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là năm 2024, Quốc hội có các chuyên đề giám sát rất cần sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước như: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (dự án Sân bay Long Thành, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giám sát không chỉ chỉ ra những thiếu sót, sai phạm mà giám sát cũng phải kiến tạo phát triển; giám sát để chỉ rõ, truy đến cùng nhưng cũng "gỡ" được đến cùng.
Nhấn mạnh về yêu cầu "công khai và minh bạch", Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh yêu cầu này vì đây là "vũ khí" sắc bén nhất của Kiểm toán Nhà nước. Tăng cường công khai minh bạch để làm rõ trách nhiệm giải trình, từ đó việc sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước ngày càng được tốt hơn. Ở chiều ngược lại, thông qua công khai kết quả kiểm toán, các đơn vị, đối tượng được kiểm toán, xã hội, người dân nói chung giám sát trở lại hoạt động kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Kiểm toán Nhà nước chú trọng thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, trong đó có Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán mới được ban hành tháng 10-2023.
Kiểm toán Nhà nước tiếp tục sắp xếp, kiện toàn bộ máy công chức, kiểm toán viên ngày càng theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm tính độc lập trên thực tế của Kiểm toán Nhà nước và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải không ngừng rèn luyện về đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh, "nghệ tinh, tâm sáng", "pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng", "tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ"; tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân; lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước trong năm 2024 (11/7/1994 - 11/7/2024).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.