(HNM) - Vòng đàm phán thứ 7 về hòa bình cho Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc vừa kết thúc tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) nhưng không đem đến thay đổi đột phá nào đáng kể.
Nguyên nhân là do các bên đều lảng tránh đề cập tới những vấn đề cốt lõi liên quan tới tương lai đất nước Trung Đông này. Sau 6 năm bùng phát, cuộc khủng hoảng tại Syria được giới quan sát đánh giá đã chuyển từ một cuộc nội chiến thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Vì vậy, vòng đàm phán mới, với sự góp mặt của đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập đã được kỳ vọng sẽ đưa ra được giải pháp toàn diện và chấm dứt cuộc xung đột kéo dài dai dẳng.
Người dân Syria khát khao hòa bình sau hơn 6 năm chiến tranh dai dẳng. |
Tuy nhiên, những gì các bên thể hiện trong các cuộc gặp gỡ chưa được như mong muốn. Hầu như các vấn đề có tác động trực tiếp tới việc xây dựng hòa bình cho Syria như soạn thảo hiến pháp mới, thành lập chính phủ chuyển tiếp hay tổ chức bầu cử vốn là những vấn đề được đặt ra từ trước đó, lại hầu như không được nhắc tới. Thay vào đó, cuộc chiến chống khủng bố đã trở thành trọng tâm thảo luận.
Dù vậy, ngay cả với đề tài này, cuộc đàm phán cũng tiếp tục chứng kiến sự bất đồng giữa các bên, đặc biệt trong việc xác định các lực lượng khủng bố đang hoạt động cũng như cách thức thực hiện chống khủng bố. Sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe đối lập tại Syria cũng thể hiện khá rõ khiến Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar al-Jaafari sau đó đã tuyên bố không nhận thấy có khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp với phe đối lập.
Trong khi đó, lực lượng đối lập vẫn cáo buộc Chính phủ Syria chỉ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, phớt lờ vấn đề chuyển giao quyền lực. Sự căng thẳng này khiến Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura nhận định rằng, đàm phán lần này không đổ vỡ và không có bên nào rời bàn thương lượng đã là bước tiến quan trọng. Đây cũng được xem là một phần hệ quả của những nỗ lực thành lập cơ chế tham vấn, vốn có từ các vòng đàm phán trước nhằm giúp các phe phái đối lập tại Syria có thể hợp tác chặt chẽ hơn và có các cuộc thảo luận chi tiết hơn.
Tuy nhiên, cuộc hòa đàm vừa kết thúc cũng đã có những tiến bộ đáng khích lệ, đặc biệt là yêu cầu đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức đã tạm thời được gác lại. Các bên tránh đề cập đến vấn đề ông B.Al-Assad phải từ bỏ quyền lực mà cùng nhất trí rằng việc thiết lập lại hòa bình cho Syria phải đến trước, sau đó mới đến cải cách chính trị. Đây là một sự “điều chỉnh đặc biệt” trong cách tiếp cận của Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC, đại diện phe đối lập chính Syria). Trong các vòng đối thoại trước, việc nhà lãnh đạo Syria phải ra đi ngay lập tức được xem là điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông.
Một tín hiệu đáng mừng khác cũng xuất hiện khi Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách phối hợp với các nước trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Brett McGurk, cho biết Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga trong việc giảm bạo lực tại Syria thông qua các thỏa thuận giải quyết xung đột và ngừng bắn. Động thái này được đưa ra sau khi hai nước mới đây đã đạt được đồng thuận hiếm hoi về lệnh ngừng bắn tại khu vực Tây Nam Syria. Đây cũng là sự kiện đánh dấu nỗ lực hòa bình đầu tiên đạt được tại Syria dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhìn chung, dù chưa có được đột phá lịch sử nhưng cuộc đối thoại lần này đang tạo ra hy vọng cho vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 9 tới. Đặc biệt, nếu các bên có thể ngồi đối thoại trực tiếp, đưa ra được những lập trường rõ ràng và thực chất thì hòa bình cho Syria sẽ đến gần hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.