Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoa học bỏ quên làng nghề?

Đan Nhiễm| 14/12/2012 06:26

(HNM) - Hà Nội có khoảng 1.300 làng nghề, trong đó có 270 làng nghề truyền thống với hàng chục nhóm nghề như gốm sứ, dệt may, điêu khắc, mây tre đan... thu hút gần 700.000 lao động, chiếm gần 10% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Việc đưa công nghệ mới vào sản xuất tại các làng nghề nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và xử lý môi trường đang là vấn đề nan giải hiện nay.

Lao động chân tay là chính

Huyện Thạch Thất (Hà Nội) hiện có hơn 70 DN sản xuất mộc dân dụng, tập trung ở các xã Chàng Sơn, Thạch Xá, Bình Phú, Hữu Bằng... Nghề mộc ở Thạch Thất thu hút nhiều lao động nhất trong các nghề truyền thống. Tuy nhiên, phần lớn công việc của người dân nơi đây dựa vào sức người là chính.

Việc ứng dụng các tiến bộ KHCN vào doanh nghiệp sản xuất mộc dân dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Trung Kiên


PGS-TS Vũ Huy Đại, Trưởng khoa Chế biến lâm sản (ĐH Lâm nghiệp) cho biết, hầu hết đồ nội thất sản xuất ở Thạch Thất đều có các chi tiết cong và đa phần được gia công bằng phương pháp cưa cắt theo các đường cong đã được vạch sẵn trên mẫu gỗ xẻ. Phương pháp này đơn giản nhưng ảnh hưởng đến cấu trúc, khiến khả năng chịu lực của gỗ bị giảm và lãng phí 50% nguyên liệu. Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội đã giao ĐH Lâm nghiệp thực hiện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ uốn gỗ tạo chi tiết cong công năng và mỹ nghệ sản xuất đồ mộc quy mô vừa và nhỏ". Đến nay, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ và chế tạo thành công máy uốn gỗ tự nhiên (UG-HĐ). Thiết bị có năng suất uốn 300 chi tiết/ca; có thể tạo hình chi tiết uốn cong dạng C, U, L, S; có thể uốn các chi tiết có chiều dày đến 3,5cm, bán kính uốn cong từ 1,5-1,7m với tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu hơn 95%. Thiết bị UG-HĐ có thể uốn được cho nhiều loài gỗ thông dụng: tần bì, xoan ta, xoan đào, keo lai...; áp dụng cho sản xuất hộ gia đình hoặc quy mô công nghiệp. Chỉ cần 2 lao động là có thể điều khiển hệ thống này, từ xử lý làm dẻo đến uốn gỗ và sấy định hình. Đến nay, thiết bị trên đã bắt đầu được sử dụng ở một số cơ sở sản xuất và được đánh giá cao. "Ngành chế biến gỗ ở Thạch Thất còn nhiều công đoạn phải ứng dụng KHCN để giải quyết vấn đề chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, năng lượng, phế liệu, môi trường. Chúng tôi sẵn sàng tham gia nhằm tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ" - PGS-TS Vũ Huy Đại khẳng định.

Không chỉ Thạch Thất mới gặp các vấn đề nêu trên mà đây là thực trạng chung ở các làng nghề Hà Nội hiện nay. Phần đông làng nghề phát triển tự phát, sử dụng lao động chân tay là chính. Việc ứng dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất là nhiệm vụ "bất khả thi" do thiếu vốn, thị trường... Trong khi đó, hoạt động KHCN bấy lâu dường như "bỏ quên" khu vực này khi số đề tài, dự án KHCN liên quan đến phát triển làng nghề vừa được Sở KHCN Hà Nội chuyển giao cho các quận, huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bài toán môi trường

Theo các chuyên gia, việc KHCN chưa "bén rễ" vào làng nghề không cấp thiết bằng việc cần sớm có giải pháp kỹ thuật nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường. Khu vực này đang hàng ngày đối mặt với ô nhiễm tiếng ồn, nước và rác thải, trong đó nghiêm trọng nhất là các làng nghề chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, ươm tơ, dệt nhuộm, tái chế nhựa, giấy, mộc dân dụng... Điển hình là làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai), chế biến nông sản Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức)...

Theo UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện có hàng chục làng nghề với sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường Hà Nội mà còn vươn xa khắp cả nước và một số thị trường quốc tế. Thời gian qua, DN ở các làng nghề chế biến nông sản đã có nhiều cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nhưng nhìn chung công nghệ vẫn rất lạc hậu. Việc ứng dụng các tiến bộ KHCN xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế và chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

TS Mai Văn Trịnh (Viện Môi trường Nông nghiệp) cho biết, thời gian qua Sở KHCN Hà Nội đã cấp kinh phí thực hiện một số đề tài, dự án liên quan đến vấn đề xử lý môi trường nông thôn và làng nghề như: Sử dụng rơm rạ sản xuất than sinh học; công nghệ xử lý nước thải làng nghề, cơ sở nhỏ chế biến nông sản thực phẩm; công nghệ xử lý khí thải làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ thủ công mỹ nghệ, tái chế kim loại... Nhưng các giải pháp nêu trên chỉ thực sự hiệu quả và được nhân rộng khi chính những người dân làng nghề ứng dụng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

GS-TS Đặng Kim Chi (Chủ nhiệm Chương trình KHCN 01C-09 thành phố Hà Nội) cho biết, nhiều năm qua, các nhà khoa học có thể tham gia xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế không dễ do các làng nghề cơ bản đều sản xuất với quy mô hộ gia đình, mặt bằng chật hẹp và thiếu vốn. Những "rào cản" đó cần có sự vào cuộc của nhiều lĩnh vực khác, vượt ra khỏi "tầm nhìn" của mỗi làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học bỏ quên làng nghề?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.