Hà Nội là đất trăm nghề và có hơn 2.700 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên.
Để phát triển các làng nghề và hỗ trợ các sản phẩm OCOP, thành phố đã thành lập các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất của nhiều trung tâm còn hạn chế, rất cần được củng cố thêm để khai thác hết dư địa phát triển.
“Tiếp sức” cho làng nghề
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động. Các sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, với nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề, Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP. Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội và các sở, ngành, địa phương đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ các làng nghề, các chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, du lịch… Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động, nhất là khi thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có xu hướng chậm lại, đầu ra của các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh phát triển các làng nghề và hỗ trợ các sản phẩm OCOP, thành phố đã thành lập các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.
Cuối năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã công nhận 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)… Mục tiêu của các trung tâm này là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.
Nghệ nhân Vũ Văn Ca (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) cho biết, xã có 7/7 làng có nghề khảm trai, sơn mài đã được thành phố công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Do đó, việc ra đời trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch nhằm "tiếp sức" cho làng nghề là niềm vui lớn đối với các hộ sản xuất cũng như chính quyền, nhân dân địa phương.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù, các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã đã được đầu tư xây dựng và công nhận, song nhiều trung tâm vẫn còn rất đơn sơ. Chẳng hạn, tại xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), trung tâm được hình thành trên cơ sở vật chất của trường tiểu học cũ, chưa bảo đảm cảnh quan để thu hút khách tham quan, mua sắm sản phẩm. Nghệ nhân Vũ Văn Ca mong muốn, trung tâm được đầu tư thêm kinh phí để nâng cấp khu trưng bày sản phẩm cho làng nghề; tổ chức kết nối các tour, tuyến đưa khách tới tham quan du lịch.
Tương tự, trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cũng được hình thành từ cơ sở vật chất của nhà truyền thống của làng nghề Phú Vinh, rộng khoảng 1.000m2; trong đó có 1 nhà cấp 4 là nơi trưng bày các sản phẩm của làng nghề và sản phẩm của nghệ nhân. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mây tre đan Phú Vinh Nguyễn Văn Trung, do cơ sở vật chất hạn chế, nên từ khi được công nhận, trung tâm vẫn chưa đón được nhiều khách tham quan, trải nghiệm như kỳ vọng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, năm 2024, thành phố đặt ra chỉ tiêu công nhận từ 5 đến 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã. Để phát huy hiệu quả của các trung tâm, sau khi thành phố công nhận, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp trên cơ sở hạ tầng hiện có cũng như làm tốt công tác quản lý, vận hành.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến, Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng của các làng nghề. Thành phố cần nâng cấp, cải tạo cảnh quan của các làng nghề truyền thống, xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, thì mới có thể phát triển được du lịch. Nếu làm tốt, Hà Nội có thể biến 327 làng nghề, làng nghề truyền thống trở thành 327 điểm du lịch đặc sắc của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.