Dân số giảm tiếp tục tác động đến xã hội và nền kinh tế Nhật Bản. Số lượng nhà không người ở tại quốc gia này đã lên tới 9 triệu căn.
Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố, tính đến tháng 10-2023, số lượng nhà trống, được gọi là akiya, đã tăng hơn 500.000 căn so với cuộc khảo sát năm 2018.
Gốc rễ của vấn đề là tình trạng giảm dân số ở nông thôn, kết hợp với việc nhiều người thừa kế loại tài sản này không thể hoặc không muốn sử dụng làm nơi sinh sống. Nhiều người bỏ qua lựa chọn tu sửa hoặc thậm chí từ chối phá bỏ. Tình trạng này cũng xuất hiện tại các khu vực thành thị, với hàng trăm nghìn ngôi nhà bị bỏ trống suốt thời gian dài.
Theo The Guardian, số nhà không người ở chiếm gần 14% tổng số nhà ở Nhật Bản, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn. Viện nghiên cứu Nomura (NRI) ước tính có gần 11 triệu akiya và chúng có thể chiếm hơn 30% số nhà ở trong vòng 1 thập kỷ.
Theo khảo sát, trong số 9 triệu căn nhà không người ở, chỉ có 330.000 căn được rao bán, hơn 4,4 triệu căn trong tình trạng bị bỏ trống lâu dài và hầu hết đều cách xa trung tâm dân cư; hơn 3,8 triệu căn chưa rõ tình trạng.
Đất trống ở Nhật Bản bị đánh thuế cao hơn đất có công trình tồn tại trên đất. Do đó, việc phá hủy những ngôi nhà không người ở sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính và khiến nhiều người né tránh quyền thừa kế tài sản.
Tuy nhiên, người nước ngoài ngày càng quan tâm đến tình trạng dư thừa loại bất động sản trống này, đặc biệt là những ngôi nhà truyền thống (kominka), như một lựa chọn để có chỗ ở giá rẻ hoặc cho thuê.
Thực tế, du khách quốc tế đang rất quan tâm đến việc trải nghiệm kỳ nghỉ tại các cơ sở lưu trú truyền thống của Nhật Bản nhưng nhu cầu đang vượt xa nguồn cung. Việc đồng yên ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ cũng giúp thúc đẩy sự bùng nổ du lịch, với kỷ lục 3 triệu du khách đến quốc gia này chỉ trong tháng 3.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.