(HNMO) - Cảnh sát và những người biểu tình đã đụng độ tại thủ đô Athens trong cuộc biểu tình chống chính phủ đầu tiên kể từ khi đảng Syriza cực tả của Hy Lạp lên nắm quyền.
Hãng tin BBC cho biết, hàng chục nhà hoạt động đã ném bom xăng và đá vào cảnh sát và đốt xe ô tô sau khi tuần hành.
Bất ổn xảy ra ngay trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Đức dự kiến tiến hành hôm nay, 27/2, để quyết định liệu có nên gia hạn gói viện trợ tài chính cho Hy Lạp hay không.
Một thỏa thuận, được Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế thống nhất trong tuần trước, đã làm dấy lên những bất đồng chính kiến trong chính nội bộ đảng Syriza.
Nếu được phê duyệt, thỏa thuận này sẽ giúp Hy Lạp có được sự gia hạn gói cứu trợ thêm 4 tháng để đổi lấy các cải cách của chính phủ.
Đảng Syriza lên nắm quyền tháng bằng cách hứa hẹn đàm phán lại nợ và chấm dứt việc thắt lưng buộc bụng.
Hôm qua, khoảng 450 người biểu tình cánh tả đã tràn xuống các đường phố của Athens để bày tỏ sự tức giận của họ. Sau khi diễu hành, khoảng 50 người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Các cửa kính quầy hàng và điểm dừng xe buýt cũng bị đập tan.
Hôm 24/2, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã thông qua một đề xuất cải cách được Hy Lạp đệ trình, nhưng đề xuất này cần phải được quốc hội ở một số nước thông qua. Là nước nắm sức mạnh kinh tế chi phối trong EU, việc Đức thông qua thỏa thuận này được coi là rất quan trọng.
Hôm qua, đa số các nghị sĩ thuộc khối trung hữu CDU/CSU của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia hạn gói cứu trợ 240 tỷ euro cho Hy Lạp – sẽ đến hạn vào ngày 28/2 tới.
Đảng Dân chủ xã hội trung tả, các thành viên khác trong liên minh của bà Merkel, cũng bỏ phiếu nhất trí ủng hộ.
Liên minh lớn của bà Merkel chiếm đa số trong quốc hội và kết quả bỏ phiếu cho thấy việc Đức quyết định gia hạn thêm 4 tháng là khá chắc chắn.
Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ủng hộ việc gia hạn và kêu gọi cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày hôm nay nhưng ông vẫn còn hoài nghi về những nỗ lực cải cách của chính phủ Hy Lạp mới.
Trong khi đó, phe diều hâu trong đảng CDU của bà Merkel và đảng anh em Bavarian, đảng CSU đã coi thỏa thuận gia hạn như là một sự khoan dung với Hy Lạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.