Thế giới

“Kỷ nguyên mới” trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp

Quỳnh Dương 09/12/2023 07:00

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa thực hiện chuyến thăm Hy Lạp nhằm mở ra “một trang sử mới” trong quan hệ song phương của hai quốc gia này.

Ngoài tuyên bố chung về “Quan hệ láng giềng tốt đẹp”, hai bên đã ký kết 15 thỏa thuận hợp tác, một kết quả mang tính đột phá và được đánh giá là đòn bẩy tích cực giúp nhanh chóng cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng.

tong-thong-tho-nhi-ky-recep.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) gặp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại thủ đô Athens.

Dù là hai quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng đây mới là lần thứ hai kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến thăm chính thức Hy Lạp.

Các chuyến thăm Hy Lạp hiếm hoi của người đứng đầu Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ những bất đồng dai dẳng giữa Ankara và Athens về biên giới, vấn đề di cư, quân sự hóa các hòn đảo của Hy Lạp...

Đỉnh điểm vào năm 2020, hai nước gần như đứng bên bờ vực chiến tranh sau khi Ankara thông báo triển khai kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Đây là vùng biển giàu khoáng sản đang tồn tại tranh chấp giữa hai nước cũng như một số quốc gia khác trong khu vực.

Athens cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thăm dò dầu khí ở khu vực thềm lục địa Hy Lạp là một phần trong loạt hành động nhằm từng bước chiếm đoạt quyền chủ quyền của Hy Lạp. Cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng luật pháp quốc tế và Luật Hàng hải.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, bờ biển phía Đông của đảo Crete và một nửa biển Aegean rộng gần 18.000 dặm vuông thuộc về nước này. Đây là một phần khái niệm “Tổ quốc xanh” mà những người theo chủ nghĩa Ottoman mới trong đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thường xuyên đề cập.

Quan hệ giữa hai nước “giảm nhiệt” kể từ tháng 2 vừa qua, khi Hy Lạp cung cấp viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất. Kể từ đó, các cuộc đối thoại cấp nhà nước được nối lại. Hai bên đều thể hiện thiện chí muốn gác lại quá khứ hướng tới tương lai. Điều này được thể hiện trong chuyến thăm nhanh chóng song hiệu quả của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại, nền kinh tế Hy Lạp đang tăng trưởng với tốc độ ấn tượng sau cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hàng thập kỷ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một thị trường 80 triệu dân đang thúc đẩy các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. 15 thỏa thuận hợp tác đã ký kết bao gồm nhiều lĩnh vực như năng lượng, giáo dục, nông nghiệp, thể thao, công nghệ và du lịch, được kỳ vọng sẽ góp phần đưa kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên 10 tỷ USD từ mức 5,5 tỷ USD hiện nay.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sẽ áp dụng cách tiếp cận “đôi bên cùng có lợi” để đặt nền tảng cho những hợp tác rộng rãi hơn, với hy vọng có thể “cài đặt” lại mối quan hệ của đất nước ông với các đồng minh phương Tây.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kyriakos Mitsotakis dài hơn thời gian dự kiến, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, không có vấn đề gì lớn đến mức không thể giải quyết, miễn là hai bên hành động với thiện chí và tập trung vào bức tranh toàn cảnh.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp muốn Aegean là một vùng biển hòa bình. Thông qua các bước đi chung sẽ thực hiện trong thời gian tới, Ankara và Athens muốn trở thành một “tấm gương” cho thế giới.

Theo Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, dù quan hệ song phương đã xuống dốc trong nhiều năm qua, song hiện tại, hai nước đang đi trên con đường bình thường hóa. “Khoảng cách địa lý và lịch sử đã sắp đặt hai nước là láng giềng… Tôi cảm thấy có trách nhiệm lịch sử trong việc tận dụng cơ hội này để đưa hai quốc gia sát cánh cùng nhau”.

Người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp đã công bố kế hoạch cung cấp thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm các đảo của Hy Lạp và bày tỏ sự ủng hộ đối với yêu cầu của Ankara nhằm giảm bớt các hạn chế đi lại đối với người mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cần hợp tác nhằm hướng tới sự thịnh vượng, duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt đẹp vì lợi ích của cả hai dân tộc và khu vực rộng lớn hơn.

Bản tuyên bố chung 10 điểm về “Quan hệ láng giềng tốt đẹp” giữa nhà lãnh đạo hai bên đã khẳng định thành công của chuyến thăm đồng thời vạch ra lộ trình củng cố hợp tác song phương chặt chẽ hơn sau một giai đoạn đặc biệt bất ổn.

Việc quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bước sang “kỷ nguyên mới” còn có thể giúp Ankara hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với EU để cùng đối phó với các thách thức trong khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Kỷ nguyên mới” trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.