Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp lực chống khủng bố

Thùy Dương| 30/05/2017 06:23

(HNM) - Tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra cuối tuần qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định trở thành một thành viên đầy đủ của liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ đứng đầu.

Những vụ khủng bố liên tiếp gần đây tại Châu Âu là một thách thức an ninh khiến NATO gia nhập liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu.


Trong bối cảnh vừa xảy ra vụ tấn công nhằm vào Sân vận động Manchester Arena (Anh) khiến 22 người thiệt mạng, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, việc 28 thành viên của khối quân sự này trở thành một thành viên đầy đủ của liên minh quốc tế chống IS là mong muốn của nhiều nước đồng minh; đồng thời phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự hợp lực trên mặt trận chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Liên minh quốc tế chống khủng bố, trên danh nghĩa có hàng chục nước tham gia, nhưng thực tế cho thấy có tới 90% cuộc không kích là do quân đội Mỹ tiến hành. Từ khi Mỹ khởi xướng thành lập liên minh, nhiều thành viên NATO tham gia với tư cách quốc gia, ở mức độ vừa phải. Với nguyên tắc đồng thuận, trước đây NATO vẫn từ chối tham gia liên minh quốc tế chống IS, với lo ngại có thể tạo ra hình ảnh của một liên minh phương Tây chống lại các nước và các tổ chức Ả rập. Trong đó, Pháp và Đức vốn không ủng hộ kế hoạch mà Mỹ đề xuất để NATO giữ một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq, do lo ngại NATO phải tham gia vào các chiến dịch triển khai quân sự tốn kém, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Ả rập hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Nga ở Syria.

Trong khi đó, Mỹ đã nhiều lần hối thúc NATO tham gia chiến dịch này. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các nước đồng minh hành động nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố. Vụ khủng bố xảy ra tại Manchester mới đây là dịp thuận lợi để ông chủ Nhà Trắng thúc ép các nước tham gia ở một quy mô lớn hơn, dưới màu cờ của NATO. Quan trọng hơn, việc lực lượng thánh chiến đang mở rộng hoạt động sang Libya và tiến gần hơn tới Châu Âu đang gây áp lực lên một số quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, khiến những nước này thay đổi quan điểm, quyết định để NATO trở thành một thành viên đầy đủ của liên minh quốc tế chống IS, nhưng sẽ chỉ tham gia ở mức độ tối thiểu.

Sự kiện khối quân sự này trở thành một phần của chiến dịch có thể giúp thúc đẩy các cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria. Theo đó, NATO có thể đóng góp trang thiết bị, hỗ trợ huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm mà liên minh này thu được từ sứ mệnh chỉ huy chiến dịch chống Al-Qaeda và Taliban tại Afghanistan. Trước mắt, một đơn vị tình báo chống khủng bố sẽ được tạo ra, từ tổng hành dinh của NATO ở Bruxelles (Bỉ) điều phối việc thu thập thông tin về các chiến binh Hồi giáo, tiếp đến là tham gia trinh sát từ trên không.

Quyết định mới nhất của NATO chủ yếu mang ý nghĩa về mặt chính trị, bởi toàn bộ 28 nước thành viên liên minh này đã tham gia vào sứ mệnh chống IS tại Iraq và Syria với tư cách độc lập, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, NATO nên đóng vai trò tích cực và mạnh mẽ hơn trong đào tạo, huấn luyện các lực lượng địa phương, giúp các đối tác tăng cường năng lực cho chính lực lượng của họ. Trên thực tế, việc huấn luyện các lực lượng địa phương cần duy trì lâu dài trong vòng một thập kỷ hoặc hơn thì mới phát huy tác dụng. Hoạt động này sẽ giúp NATO chia sẻ gánh nặng, để cuộc chiến chống khủng bố hiệu quả hơn.

Dù vẫn còn hoài nghi khi cho rằng việc NATO trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu có tạo thêm sức mạnh quân sự hay không, song NATO vẫn tăng cường các nỗ lực nhằm chứng minh tầm quan trọng không thể thiếu của tổ chức này trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp lực chống khủng bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.