Giá đậu tương hợp đồng tháng 7 tăng hơn 2%, là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ tháng 11-2023.
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày 2-5 biến động trái chiều, lực bán có phần nhỉnh hơn, đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,23% xuống 2.249,51 điểm, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10%, lên hơn 5.000 tỷ đồng, với dòng tiền được phân bổ nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và kim loại.
Giá đậu tương hợp đồng tháng 7 tăng vọt hơn 2% và chạm mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ tháng 11-2023. Lực mua được thúc đẩy mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh mùa vụ tại Brazil tiếp tục bị đe dọa bởi yếu tố thời tiết.
Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới gần 5%.
Trái lại với xu hướng quốc tế, giá chào bán khô đậu giao tháng 6 cập cảng Cái Lân ghi nhận đà giảm so với tuần trước, với mức giảm khoảng 200 đồng/kg, hiện đang được giao ở khoảng 11.850 đồng/kg. Giá cập cảng Vũng Tàu cùng kỳ hạn được chào bán thấp hơn ở khoảng 11.700 đồng/kg.
Trên thị trường kim loại ghi nhận biến động trái chiều, với lực bán có phần nhỉnh hơn.
Giá đồng COMEX nối dài đà giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Sau khi thiết lập mức đỉnh 2 năm, giá đồng đang suy yếu trở lại khi rủi ro nguồn cung vốn dần được xoa dịu.
Nhằm hạ nhiệt đà tăng mạnh mẽ của giá đồng, các nhà sản xuất của Trung Quốc đang lên kế hoạch xuất khẩu tới 100.000 tấn đồng tinh chế, cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Cùng chung xu hướng giảm, giá nhôm LME và niken LME cũng để mất hơn 1% giá trị do nguồn cung cải thiện.
Đối với kim loại quý, áp lực vĩ mô suy yếu tiếp tục hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp. Chốt ngày, giá bạc tăng nhẹ 0,3% lên 26,82 USD/ounce. Giá bạch kim neo tại mức 962,6 USD/ounce, sau khi tăng 0,81%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.