(HNM) - Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê rời xa cõi tạm, để lại khối di sản gồm hàng trăm công trình nghiên cứu giá trị, không chỉ riêng về lĩnh vực lịch sử.
Giờ đây, khi ông đã đi xa, với Hà Nội, hình bóng Giáo sư còn ở lại, đâu đó giữa những Hoàng thành Thăng Long, đàn Xã Tắc, Cột cờ Hà Nội với những diễn giải liên quan tới văn hóa, sử học, khảo cổ học, qua ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên, lễ hội đèn Quảng Chiếu và định vị Cấm Thành...
Năm 2011, Giáo sư Phan Huy Lê được trao tặng Giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Ảnh: TTVH |
Ngày 31-8-2011, Giáo sư Phan Huy Lê được trao tặng Giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Trong danh sách những người, những việc được trao giải thưởng, về ông là dòng chữ được ghi trang trọng trên trang tin của Ban Tổ chức: “Giải thưởng Lớn được trao cho Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Phan Huy Lê vì những đóng góp suốt đời của ông đối với lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội”.
Đã có nhiều bài viết về sức cống hiến, năng lực chuyên môn, sự uyên bác của Giáo sư Phan Huy Lê, thể hiện trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng sử học. Nhưng, không hiểu sao với nhiều người, khi nói về Giáo sư và tình yêu mà ông dành cho Thủ đô, chỉ những gì liên quan tới Hoàng thành Thăng Long đã là đủ. Đủ để chứng minh rằng, ông đã đóng góp không ngơi nghỉ cho lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, dù liên quan tới Hoàng thành Thăng Long thì ngoài cống hiến của Giáo sư Phan Huy Lê, về mặt khoa học, ta còn phải ghi nhớ Giáo sư Trần Quốc Vượng - một nhân vật khác trong “bộ tứ: Lâm - Lê - Tấn - Vượng” vẫn được truyền tụng, PGS.TS Tống Trung Tín và nhiều người khác nữa.
Mọi sự có lẽ bắt đầu vào năm 2003, khi thông tin ban đầu về cuộc khai quật tại khu vực 18 Hoàng Diệu được cho là lớn nhất từ trước tới nay tại Thủ đô bắt đầu xuất hiện. Thời bấy giờ, khảo cổ học còn vất vả mọi bề chứ chưa như bây giờ được dư luận quan tâm, luật pháp kín kẽ, điều kiện làm nghề khá hơn. Nói như người trong giới thì nhiều khi thám sát, khai quật thấy “vàng mười” dưới lòng đất đấy mà phải ngậm ngùi lùi lại phía sau, nhường chỗ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long diễn ra trong bối cảnh đó. Quãng tháng 9-2004, khoảng hơn 1 năm sau khi những di vật giá trị ở 18 Hoàng Diệu xuất lộ, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) tổ chức hội nghị bàn phương án bảo tồn. Hôm đó, trên ghế chủ trì là Tiến sĩ Phạm Quang Nghị - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (sau này giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội), GS.TS Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam... Phía dưới, hàng ghế đại biểu và khách mời có Giáo sư Trần Quốc Vượng (sử), PGS.TS Tống Trung Tín (khảo cổ), Giáo sư Trần Lâm Biền (văn hóa dân gian) và những chuyên gia về văn hóa, kiến trúc, xây dựng, bảo tồn di sản, nhà báo, nhà quản lý… Một gian phòng rộng đầy ắp người với hai luồng ý kiến chủ đạo về phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu mà Bộ Văn hóa - Thông tin đưa ra. Một bên, chủ yếu thuộc giới kiến trúc, xây dựng, nghiên cứu văn hóa, bảo tồn, chất vấn giới khảo cổ và sử học về bản báo cáo ban đầu kết quả khai quật tại 18 Hoàng Diệu mà họ cho rằng “chưa nói lên được điều gì”; hơn nữa, "tiền đâu ra" mà tính tới phương án bảo tồn toàn bộ khu vực rộng hàng vạn mét vuông. Một bên, gồm các chuyên gia sử, khảo cổ, kiên quyết bảo vệ quan điểm tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, bảo tồn toàn bộ dấu tích kiến trúc đã phát lộ tại 18 Hoàng Diệu.
Hôm đó, cùng với GS.TS Đỗ Hoài Nam, Giáo sư Trần Quốc Vượng, PGS.TS Tống Trung Tín, Giáo sư Phan Huy Lê bảo vệ quan điểm về “phát hiện có tính lịch sử” liên quan tới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và giá trị lâu dài của phát hiện này. Việc đã được báo cáo với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, liên quan tới chủ trương đầu tư phục vụ công tác bảo tồn với quan điểm rõ ràng là đầu tư cho văn hóa khác hoàn toàn so với bỏ tiền vào các công trình kinh tế - xã hội vốn có thể nhìn thấy lợi ích ngay…
Đầu năm 2006, Bộ Văn hóa - Thông tin và Viện Khoa học xã hội Việt Nam lại tổ chức một hội nghị với chủ đề tương tự. Khi đó, phía khảo cổ học, sử học đã có thời gian bổ sung báo cáo khai quật và kết quả nghiên cứu những phát hiện tại 18 Hoàng Diệu, thêm cơ sở để khẳng định giá trị của Hoàng thành Thăng Long cũng như sự cần thiết phải đặt khu di tích này trong sự kết nối với Thành cổ Hà Nội và các di tích thành phần, tạo thành chỉnh thể. Giáo sư Phan Huy Lê và đồng sự cũng khẳng định lại tính khả thi của phương án lập hồ sơ di sản Hoàng thành Thăng Long trình UNESCO công nhận di sản thế giới.
Khẳng định giá trị từ những phát hiện khảo cổ học, đề xuất mở rộng phạm vi khai quật và bảo vệ phương án bảo tồn chỉ là bước đi đầu tiên của giới khoa học. Trong những năm tiếp theo, Giáo sư Phan Huy Lê và các đồng nghiệp tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội soạn thảo hồ sơ di sản để trình UNESCO, liên kết những dấu tích kiến trúc, di vật liên quan để đưa ra luận cứ về Cấm Thành, phát triển ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên bằng công nghệ 3D, lễ hội đèn Quảng Chiếu…
Vào năm 2010, trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại kỳ họp lần thứ 34 được tổ chức tại Brazil, UNESCO đã ra nghị quyết công nhận khu di sản Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Từ đó đến nay, với sự bổ sung tư liệu, hiện vật và hoàn thiện các phương án khai thác giá trị di sản, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một điểm đến nổi tiếng không chỉ của người dân Thủ đô. Những bí mật nằm sâu trong lòng đất suốt hàng nghìn năm đang dần được khai mở. Đó là một thành công lớn của TP Hà Nội, của các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có đóng góp quan trọng của Giáo sư sử học Phan Huy Lê.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.