(HNM) - Coi việc tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất rau an toàn (RAT) là nhiệm vụ quan trọng góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân, thay đổi thói quen sản xuất rau truyền thống, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững, trong những năm qua, với nhiều hình thức, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã mở nhiều lớp huấn luyện chuyên sâu cho nông dân...
Ứng dụng màng ni lông che phủ sản xuất rau an toàn tại Đông Anh. |
Thị trấn Chúc Sơn có diện tích trồng rau màu lớn, trong đó có hành hoa. Đây là loại cây dễ sống, nhanh cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao nên được nông dân gieo trồng nhiều vụ trong một năm. Song chính đặc điểm này lại là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu phát sinh gây hại trên cây hành nên bà con nông dân thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ mặc dù hiệu quả không cao và ảnh hưởng đến chất lượng RAT.
Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu xanh da láng và các đối tượng sâu khác gây hại trên cây hành, từ tháng 6-2015 đến nay, Chi cục BVTV TP Hà Nội, Trạm BVTV Chương Mỹ cùng với HTX Nông nghiệp thị trấn Chúc Sơn triển khai "Mô hình thử nghiệm bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu xanh da láng hại hành" quy mô 1ha tại thôn An Phú.
Thực hiện mô hình này, nhân viên Trạm BVTV huyện đã hướng dẫn các hộ nông dân kỹ thuật trộn mồi bả chua ngọt, đặt trên ruộng trồng hành để bắt sâu hiệu quả. Phương pháp được đánh giá dễ làm, chi phí thấp, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với tập quán của nông dân 2-3 lần, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe cộng đồng và nâng cao năng suất chất lượng RAT.
Tại huyện Ba Vì, nhằm nâng cao kiến thức cho nông dân trong công tác BVTV, nâng cao hiệu quả và năng suất cây trồng, từ đầu năm 2015 đến nay, Trạm BVTV huyện đã mở 5 lớp tập huấn an toàn thực phẩm (ATTP) cho hơn 250 nông dân chuyên sản xuất, sơ chế RAT tại các xã Ba Trại, Chu Minh, Minh Châu, Sơn Đà, Tây Đằng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân nắm chắc các quy định về ATTP, các quy chuẩn quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện ATTP, các tiêu chí cơ bản của sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và các quy định liên quan khác về vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...
Từ nay đến hết năm 2015, Trạm BVTV sẽ phối hợp với các ngành và các địa phương mở thêm 10 lớp huấn luyện cho nông dân thuộc vùng còn hạn chế hiểu biết về sản xuất RAT theo quy định của thành phố, một lớp tập huấn về ATTP cho các vùng sản xuất rau, quả, chè; tiếp tục triển khai các mô hình thử nghiệm: che vòm ni lông hạn chế bệnh hại trên cây cà chua, ngâm nước hạn chế sâu bệnh hại trong đất trên cây rau cải, bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang trên cây rau cải tại các xã Tây Đằng, Chu Minh.
Đó chỉ là hai trong số các quận, huyện, thị xã trên địa bàn được Chi cục BVTV Hà Nội tăng cường công tác hỗ trợ kỹ năng, kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất RAT. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết: Chỉ tính riêng trong 5 năm thực hiện Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố, Chi cục BVTV Hà Nội đã tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT cho nông dân thông qua các hoạt động tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, truyền thông trên quy mô lớn. Cụ thể đã ban hành 30 quy trình kỹ thuật sản xuất RAT; 10 quy trình rau hữu cơ; mở 800 lớp IPM cho 24.000 nông dân; 825 lớp tập huấn ngắn hạn và ATTP trong sản xuất RAT cho 66.000 người sản xuất; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật 325 thử nghiệm...
Thường xuyên tuyên truyền các quy định về ATTP, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, các tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất RAT trên đài truyền thanh các xã; tuyên truyền kết quả sản xuất RAT trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các vùng sản xuất và trụ sở, nơi công cộng tại một số phường. Xây dựng Bản đồ số hóa về ATTP trong sản xuất rau và website về RAT Hà Nội (http://rauantoan.hanoi.vn). Thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ RAT với Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Hà Nam.
Kết quả, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV: tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc, số lượng sử dụng thuốc BVTV trên các cây trồng trong đó có rau chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc (năm 2014: 360 tấn/116.000 tấn). Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép thấp (hằng năm phân tích gần 1.000 mẫu rau, có 1% mẫu vượt).
Năng suất rau tăng 32% (20 tấn/ha/vụ năm 2014 so với 14,2 tấn/ha/vụ năm 2009), sản lượng đạt 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Riêng ở các vùng che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ (1.150ha) tăng thêm 3-5 vụ/năm, hiệu quả kinh tế tăng thêm 600 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm (Yên Viên), tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm tương đương 30.000ha lúa/vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.