Những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng và mở rộng vùng trồng rau an toàn, quy mô lớn.
Qua đó, nhiều mô hình trồng rau cho hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong kiểm soát chất lượng nguồn rau cung cấp ra thị trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Huyện Thanh Trì đã và đang quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà sơ chế, tạo điều kiện cho vùng rau an toàn phát triển ổn định. Theo đó, toàn huyện có hơn 140ha được thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tập trung ở 2 xã: Duyên Hà, Yên Mỹ. Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 109ha.
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà) Đặng Bá Thắng cho biết, xã Duyên Hà có diện tích trồng rau lớn, đạt 54,7ha; trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 20ha; sản lượng rau của hợp tác xã đạt 3.000 tấn/năm, chủ yếu là các loại rau theo mùa, như: Cà chua, súp lơ, bí, bắp cải, mướp, su hào, dưa chuột, rau muống…
Đến nay, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đã được công nhận đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm, huyện Thanh Trì đã xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc tại thị trấn Văn Điển, xã Tứ Hiệp và xã Tân Triều… Đến nay, trên 80% bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện sử dụng rau an toàn của xã Duyên Hà và xã Yên Mỹ, nâng sản lượng rau tiêu thụ qua các công ty, doanh nghiệp lên 60%.
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Tuấn Khanh cho hay, hợp tác xã có 120ha được chứng nhận rau an toàn và 37ha đạt chứng nhận VietGAP. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 50 đến 100 tấn rau, củ sạch, sản phẩm chủ lực gồm: Bắp cải, cà chua, đỗ, bí, cải thảo… vào hệ thống siêu thị lớn như WinMart, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối lớn của nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.
Nói về hiệu quả của các mô hình sản xuất rau an toàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, là địa phương có truyền thống sản xuất rau nên năng suất rau trên địa bàn thành phố luôn ổn định, có xu hướng tăng do người sản xuất chú trọng đầu tư thâm canh, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhờ đó, sản lượng rau hằng năm đạt hơn 700.000 tấn, chủng loại rau gieo trồng khá phong phú với hơn 40 loại rau các loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân, đáp ứng 65% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn với quy mô 20ha trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm… giá trị đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm. Diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và xin chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 180ha, năng suất dự kiến là 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn 20-30% so với rau thường. Các vùng rau được ứng dụng khoa học kỹ thuật, che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng, trồng rau trái vụ, tăng thêm 3-5 vụ/năm.
Hiện nay, các mô hình sản xuất rau an toàn tại Hà Nội là hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương; đồng thời hạn chế một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu ra môi trường. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các huyện rà soát chuyển đổi những vùng có lợi thế trồng rau an toàn; thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn cho người dân. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn; nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết hài hòa lợi ích giữa các khâu để chứng minh và truy tìm nguồn gốc; đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản nói chung và rau an toàn nói riêng.
Mặt khác, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương chú trọng phát triển các quầy bán rau an toàn tại các chợ, siêu thị; duy trì một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ rau an toàn ở các vùng sản xuất quy mô lớn nằm xa chợ đầu mối. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn theo các hình thức: Bố trí quầy rau an toàn tại các khu dân cư, hỗ trợ mở quầy bán rau an toàn tại các chợ khu vực nội thành song hành với các siêu thị để tăng sản lượng rau an toàn bán qua kênh phân phối hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.