Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội tích cực hỗ trợ các địa phương sản xuất, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm rau an toàn, qua đó mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng rau...
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hoà Bình Trịnh Văn Vĩnh, với tổng diện tích 53,8ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã đang sản xuất các loại rau, củ, quả: Súp lơ, bắp cải, su hào, ngót, cải các loại, dền, cà chua, bầu, bí, mướp… cung cấp cho thị trường khoảng 640 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hằng năm, Hợp tác xã liên kết với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho 100% thành viên. Để khẳng định chất lượng, Hợp tác xã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu rau an toàn Hòa Bình cùng với chú trọng chất lượng sản phẩm...
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, Hợp tác xã có gần 1.100 hộ thành viên tham gia sản xuất hơn 200ha rau an toàn. Toàn xã Văn Đức hiện có 250ha rau an toàn, trong đó 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Để ổn định sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, hằng năm, Hợp tác xã chủ động liên kết với một số công ty, hệ thống siêu thị, thương lái cùng ký hợp đồng tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Aeon, MM Mega, các công ty kinh doanh thực phẩm đưa vào bếp ăn... Ngoài ra, Hợp tác xã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu rau an toàn Văn Đức, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường 40-50 tấn rau các loại. Trong số đó, khoảng 70% sản lượng tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội; số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Để bảo đảm chất lượng và thương hiệu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các hợp tác xã tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân; chỉ đạo các tổ, nhóm tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất rau an toàn, VietGAP, hữu cơ..., giúp nông dân hiểu quyền lợi, trách nhiệm khi thực hiện tốt quy trình sản xuất, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc có nguồn gốc sinh học; dùng biện pháp bẫy bả bằng bìa màu để hạn chế côn trùng, sâu bệnh; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Nhờ làm tốt các khâu, sản phẩm rau an toàn luôn bán được mức giá cao hơn 15-20% so với rau sản xuất theo phương pháp truyền thống và môi trường sản xuất, môi trường sống cũng được cải thiện tích cực...
Để phát huy hiệu quả thương hiệu rau an toàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý cho biết, các địa phương đã bố trí quỹ đất sạch, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Chính quyền địa phương hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau an toàn ở những nơi đủ điều kiện; tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm rau đạt chất lượng, có tem nhãn nhận diện sản phẩm để có thể truy xuất nguồn gốc...
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, huyện hỗ trợ các hợp tác xã tập huấn cho nông dân vùng chuyên canh đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, tem nhận diện sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu rau an toàn Thanh Trì. Huyện cũng tăng cường quảng bá, xây dựng website giới thiệu sản phẩm, tạo chữ "tín" với người tiêu dùng...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các hợp tác xã, người dân cần chú trọng hơn đến xây dựng, bảo vệ thương hiệu rau an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Về phía các địa phương, cần tập trung xây dựng thêm nhiều vùng rau đạt tiêu chí hữu cơ, an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP; xây dựng mã số vùng trồng, thương hiệu cho rau an toàn…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay thế bằng thuốc sinh học để kiểm soát vật tư nông nghiệp trong sản xuất rau an toàn...
Các địa phương chủ động hình thành liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ gắn chứng nhận rau an toàn có sử dụng thương hiệu nhà sản xuất. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng rau, củ, quả tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.