Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống chính trị cơ sở tại Hà Nội tinh gọn, hiệu quả sau khi thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái| 24/03/2021 09:02

(HNMO) - Sáng 24-3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Quang cảnh hội nghị.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.

Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy và các sở, ngành thành phố...

Giảm 44,2% số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, thực hiện các chủ trương của Trung ương, những năm qua, Thành ủy luôn tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đã thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Rõ nét nhất là tháng 5-2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp nghiên cứu, hướng dẫn 5 quận, huyện: Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm, Chương Mỹ xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Trên cơ sở nội dung và kinh nghiệm tổ chức thực hiện các đề án thí điểm tại 5 địa phương, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu xây dựng và ngày 16-9-2019 đã ban hành Đề án số 21-ĐA/TU để triển khai thực hiện trên toàn thành phố.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị.

Qua thực hiện, thành phố Hà Nội đã sắp xếp lại 584 đơn vị hành chính cấp xã còn 579 đơn vị (giảm 3 xã, 2 phường); từ 7.968 thôn, tổ dân phố xuống còn 5.369 thôn, tổ dân phố (giảm 2.599 đơn vị). Từ chỗ bố trí 19-22 người đảm nhiệm 18 chức danh không chuyên trách ở cấp xã; 7 người đảm nhiệm 7 chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, đến nay còn trung bình 7 người đảm nhiệm 10 chức danh ở cấp xã; 2-3 người đảm nhiệm 3 chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Kết quả thực hiện cho thấy, Đề án số 21-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trước khi thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU, các nghị quyết của HĐND thành phố là 32.933 người, đến nay còn 18.350 người, giảm 14.583 người (tương đương 44,2%) so với trước khi thực hiện.

Sau khi thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU, tình hình cơ sở ổn định. Các chức danh không chuyên trách vẫn được bố trí đầy đủ, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở tinh gọn hơn, chất lượng hoạt động được nâng lên một bước… Đặc biệt, người được bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách có thu nhập tăng và có trách nhiệm hơn trong công việc được giao.

Chú trọng tuyên truyền, định hướng và tạo sự đồng thuận

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến việc thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, bài học kinh nghiệm rút qua việc thực hiện Đề án đó là, mặc dù việc khó, việc lớn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự lãnh đạo bài bản, đồng bộ, khoa học; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì sẽ làm được. Cho rằng cần tiếp tục thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU, song đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng lưu ý, trong quá trình triển khai, cần thực hiện trên bình diện chung của thành phố nhưng phải gắn với đặc điểm, đặc thù của từng địa phương; phát huy tính tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư, nhất là trong bối cảnh thành phố đang triển khai Đề án thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, thông qua việc thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU, cần đặt ra vấn đề tuyển dụng, đưa cán bộ trẻ về cấp xã để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU. “Kết quả này đã góp phần chung vào thực hiện Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn thành phố”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện, hoàn thành Đề án số 21-ĐA/TU tại 22 xã, 49 thôn, tổ dân phố chưa thực hiện xong. Trong quá trình đó, cần quan tâm đến những nơi khó khăn, như các khu chung cư mới, vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo, những nơi đông dân cư...

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, sau hội nghị, Ban Tổ chức Thành ủy cần đánh giá, nghiên cứu một mô hình tổng thể, một bộ khung về hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm đồng bộ, khoa học. Cùng với đó, phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ sau sắp xếp; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách để đội ngũ cán bộ sau sắp xếp yên tâm công tác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng lưu ý, trong quá trình triển khai Đề án số 21-ĐA/TU, cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, định hướng và tạo đồng thuận. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để sau sắp xếp không làm mất đi quyền tự chủ, tự quản của người dân ở cơ sở. Trước mắt, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống chính trị cơ sở tại Hà Nội tinh gọn, hiệu quả sau khi thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.