Sáng 26-3, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì giao ban quý I-2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.
Các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy với tổng số 523 điểm cầu và hơn 8.000 đại biểu từ thành phố xuống các phường, xã, thị trấn.
Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: Triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án án giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024-2025.
Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đã trình bày báo cáo các hoạt động tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm gồm 9 nhóm nhiệm vụ lớn với 47 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 10-10-2024. Các hoạt động cao điểm được diễn ra từ ngày 29-9 đến 10-10.
Trong đó, sẽ tổ chức đợt phong trào thi đua "cao điểm", lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, đảm bảo an sinh xã hội; các hội thảo, triển lãm và hội nghị tuyên truyền về các thành tựu của Thủ đô và đất nước; triển khai tu bổ, tôn tạo và thực hiện khánh thành, khởi công và gắn biển công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô.
Thành phố cũng sẽ tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật gắn với thực hiện công nghiệp văn hóa, quảng bá du lịch, dịch vụ thương mại, nông nghiệp, công nghiệp văn hóa từ cấp cơ sở, quận, huyện, thị xã đến thành phố
Đáng chú ý, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng đặc biệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô…
Sẽ hoàn thành cải tạo 41/45 công viên, vườn hoa trong năm 2025
Trình bày công tác bàn giao, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đối với 41/45 công viên, vườn hoa do UBND các quận thực hiện, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 14/41 vườn hoa.
Trong năm 2024 tiếp tục hoàn thành 16 dự án. Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa, đạt khoảng 91% kế hoạch. Riêng 4 công viên: Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2025 và 2026.
Theo đồng chí Dương Đức Tuấn, với 9 công viên xây dựng mới, giao các sở, ngành và UBND các quận, huyện phối hợp với nhà đầu tư tập trung hướng dẫn, xử lý, đôn đốc, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc cụ thể thuộc lĩnh vực do mình quản lý.
Với 111 công viên, vườn hoa lớn, nhỏ do các quận, huyện chủ động thực hiện, yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung sớm hoàn thành công tác đầu tư từ nay đến năm 2025 để phục vụ người dân địa phương cũng như bổ sung thêm không gian cây xanh cho Thủ đô.
Kế hoạch bố trí vốn năm 2024 là 81.033 tỷ đồng
Trình bày Báo cáo thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, tổng nguồn Kế hoạch trung hạn của toàn thành phố đến nay là 340.153 tỷ đồng, gồm cấp thành phố 254.316 tỷ đồng; cấp huyện là 85.837 tỷ đồng. Đến nay thành phố đã thực hiện phân bổ năm 2021 là 46.141 tỷ đồng, năm 2022 là 51.583 tỷ đồng, năm 2023 là 57.305 tỷ đồng, năm 2024 là 81.033 tỷ đồng.
Theo đồng chí Hà Minh Hải, kết quả và tỷ lệ giải ngân trong giai đoạn qua các năm có chiều hướng tăng lên.
Đồng chí Hà Minh Hải đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, 2025. Trong đó, rà soát nguồn lực thực có để thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch năm 2024, 2025 của cả cấp thành phố và cấp huyện.
156 xã, phường, thị trấn chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính
Ngoài 3 nhóm nội dung theo kế hoạch, tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh báo cáo một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Ngày 15-11-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành phương án số 01/PA-UBND tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố gửi Bộ Nội vụ. Với phương án này, dự kiến tác động đến 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố đề nghị Ban Thường vụ cấp ủy, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng. Trong đó, chỉ đạo cấp ủy, UBND các xã, phường thị trấn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tại địa phương. Khi triển khai, cần thực hiện đúng trình tự, pháp luật, bài bản, kỹ lưỡng, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành tập trung trao đổi về kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, trao đổi một số ý kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố thời gian tới.
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai kế hoạch kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, hướng tới mục tiêu tôn vinh, tri ân các thế hệ đi trước và khơi lên niềm vinh dự, tự hào của thế hệ trẻ.
Về kế hoạch cải tạo vườn hoa, công viên, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của Thành ủy. Sau 1 năm đi vào cuộc sống, người dân đã được hưởng lợi từ chính sách của thành phố. Đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo; nếu không tự cân đối được, cần khẩn trương báo cáo thành phố để bố trí vốn theo đúng quy định.
Tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai cải tạo công viên, vườn hoa
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai các hoạt động kỷ niệm thiết thực, ý nghĩa.
Liên quan đến công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thông tin, đến nay, cơ bản 41/45 công viên đã được giao cho các quận, huyện quản lý. Đối với các tượng đài, quan điểm chung của thành phố là sẽ giao nốt cho các quận, huyện để quản lý tốt hơn. Về nguồn lực để triển khai, nếu các quận, huyện có khả năng cân đối thì chủ động thực hiện, nếu không cân đối được, thành phố sẽ bố trí nguồn vốn theo quy định.
Lưu ý việc cải tạo, chỉnh trang các công viên, vườn hoa là chủ trương lớn của Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân sau khi các vườn hoa, công viên được giao về địa phương quản lý và tiến hành cải tạo, nâng cấp. Trong quá trình thực hiện, cần lưu ý các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cũng như tiến độ thực hiện.
Liên quan đến việc thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 – 2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá: “Bức tranh” giải ngân của thành phố những năm qua có nhiều tiến bộ. Nếu như năm 2022 đạt trên 87% thì đến năm 2023 đạt trên 94% và 3 tháng đầu năm 2024 đạt 8,7%... Thành ủy Hà Nội cũng rất quyết liệt trong việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thông qua việc giao các đồng chí Thường vụ Thành ủy phụ trách quận, huyện phải chịu trách nhiệm; lấy kết quả giải ngân để đánh giá xếp loại Đảng bộ cấp trên cơ sở và đánh giá cán bộ đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, tỷ lệ giải ngân toàn thành phố còn thấp, nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm bố trí vốn đối ứng để hoàn thành các chương trình mục tiêu; nhiều dự án vướng mắc trong triển khai thực hiện…
Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung ưu tiên vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành đúng kế hoạch; nỗ lực hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Đặc biệt, cần cân đối nguồn vốn khi triển khai thực hiện, không để xảy ra nợ đầu tư xây dựng cơ bản.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đã thống nhất, thành phố còn 156 đơn vị cấp xã cần sáp nhập và 30 quận, huyện, thị xã giữ ổn định. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, quá trình thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương phải sáp nhập cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Sau sáp nhập, bố trí hợp lý việc sử dụng tài sản công để tránh thất thoát, lãng phí.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tin tưởng, trên cơ sở nội dung cuộc họp giao ban, các địa phương, đơn vị sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tập trung thực hiện các nội dung theo đúng sự phân công, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.