(HNMO) - Sáng 1-9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của UBND thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố - Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Ngô Văn Quý, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn dự tại các điểm cầu địa phương.
Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tiếp tục tăng trưởng
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong tháng 8-2020, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu và phục hồi kinh tế. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tháng 8 tiếp tục tăng so với tháng 7. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lũy kế 8 tháng năm 2020 còn một số chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 3,4% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng tăng 4,1%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 261,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,37% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 1,92 triệu tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ tháng 8 ước đạt 51 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 370,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 1,51 tỷ USD, giảm 4,3% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 9,94 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước; lũy kế 8 tháng đạt 18,8 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ. Khách du lịch đến Hà Nội tháng 8 ước đạt 310.000 lượt, giảm 70,3% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm 2019…
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội ước thực hiện được 179.191 tỷ đồng, đạt 64,3% dự toán, bằng 101,6% so với cùng kỳ năm 2019. Chi đầu tư phát triển là 21.536 tỷ đồng, đạt 47,9% dự toán (tăng 60,7% so với cùng kỳ). Tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đạt 3,73 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 7 và tăng 6,5% so với thời điểm đầu năm 2020.
Thành phố cũng thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách an sinh xã hội. 100% người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ. Trong tháng 8, hơn 16.000 lao động được giải quyết việc làm; 7.179 người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 157,5 tỷ đồng...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình 07/CTr-UBND ban hành đầu năm, đồng thời thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra về phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Về phát triển kinh tế, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục thành lập các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Thành phố cũng chú trọng thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu hàng hóa; ổn định nguồn cung thịt lợn và các loại thực phẩm thay thế; đẩy mạnh tái đàn lợn; chăm sóc tốt cây trồng vụ mùa, bảo đảm diện tích cây trồng vụ đông; rà soát, kiểm tra bảo đảm tốt công tác phòng chống lũ lụt, ngập úng trong mùa mưa bão.
Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu ngân sách; đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; khai thác các khoản thu, nhất là từ đất và đấu giá đất, tiền thuê đất nộp một lần; chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; rà soát từng dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân theo Chương trình 144/CTr-UBND của UBND thành phố, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm tốt các điều kiện khám chữa bệnh; chủ động phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, UBND thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát chức năng nhiệm vụ, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc thành phố; điều chỉnh Đề án vị trí việc làm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; tập trung cải thiện các chỉ tiêu thành phần, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục các quận, huyện, thị xã năm 2020; thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2020...
Thời gian tới, thành phố cũng tập trung bảo đảm an toàn các hoạt động văn hóa, thể thao trong “trạng thái bình thường mới”; tổ chức khai giảng năm học mới 2020-2021 trang trọng, ý nghĩa nhưng bảo đảm phòng, chống dịch bệnh; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Tại hội nghị, đại diện Cục Thuế Hà Nội đã trình bày báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2020 của thành phố và các quận, huyện, thị xã; các nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2020.
Đại diện Kho bạc Nhà nước thành phố trình bày báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2020.
Lãnh đạo Thanh tra thành phố đã trình bày báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân 8 tháng năm 2020, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2020.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đã làm rõ thêm báo cáo, cụ thể hóa việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được UBND thành phố chỉ đạo.
Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, huyện đang tiếp tục tập trung thực hiện, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận có hai công trình chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố là dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Hoàn Kiếm và công trình Trường THCS Ngô Sỹ Liên. Dự án Trường THCS Ngô Sỹ Liên sẽ hoàn thành và được gắn biển vào ngày khai giảng năm học mới 2020-2021; còn dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã hoàn thành phần kè từ ngày 25-8, hoàn thành 80% phần lát đá, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15-9-2020.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, Sở đã gửi 3 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch; tổ chức khai giảng và công tác thu chi đầu năm học.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quan tâm, phối hợp, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thực hiện nghiêm các nội dung trên, đặc biệt là bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không để các cơ sở giáo dục lạm thu...
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động đề nghị thành phố sớm bố trí ngân sách cho 8 công trình sửa chữa phục vụ SEA Games 31; nếu để chậm hơn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã sớm bố trí vốn cho các công trình liên quan đến sự kiện này.
14 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đánh giá, trong tháng 8-2020, kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, được Chính phủ đánh giá rất cao. Đầu tư xây dựng, giao thông, hạ tầng, đô thị tiếp tục được quan tâm triển khai. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững.
Nêu 14 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, đây là giai đoạn nước rút, vì vậy các sở, ngành, đơn vị cần tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách theo các chương trình công tác của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố.
Trong đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục rà soát lại bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nhất là các chỉ số cải cách hành chính; xem xét lại chỉ tiêu tuyển dụng viên chức, công chức thành phố trong năm 2020…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phải quyết liệt chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ nghiệm thu, giải ngân; đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là tại các công trình trọng điểm, trong đó lãnh đạo các địa phương, đơn vị phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc.
Lưu ý tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và các đơn vị, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tiếp tục xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại địa bàn cơ sở. Các địa phương cũng cần chú trọng tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế, chuẩn bị cho kế hoạch năm 2021 và kế hoạch trung hạn, nhằm thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị đôn đốc tiến độ các dự án xử lý rác thải; tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng 5 cụm công nghiệp; tập trung cho vụ đông xuân, phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt mức hơn 4%; tổ chức tốt công tác khai giảng năm học mới; thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Về vụ việc thực phẩm thương hiệu “Minh Chay” có chứa vi khuẩn gây độc, thành phố và Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố tiếp tục đề nghị các đơn vị phối hợp xử lý vụ việc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.