Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Dấu ấn nổi bật trên mỗi chặng đường
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), từ một địa phương bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, có xuất phát điểm thấp với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bình Dương đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, trở thành tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa hàng đầu của cả nước.
Ngay sau khi được chia tách từ tỉnh Sông Bé (năm 1997), các thế hệ lãnh đạo của Bình Dương đã thể hiện ý chí quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, cụ thể hóa khát vọng vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Bình Dương đã chọn công nghiệp làm mũi đột phá, với chủ trương xuyên suốt “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến địa phương. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hiện đại.
Nếu năm 1997, tỉnh chỉ có 7 KCN tập trung với diện tích khoảng 1.500ha, thì nay, Bình Dương đã có 29 KCN, với tổng diện tích 12.798ha và 12 CCN, với tổng diện tích 815ha, trở thành địa phương có tỷ lệ lấp đầy các KCN cao nhất cả nước, trên 95%. Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Toàn tỉnh hiện có 4.280 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn hơn 40,6 tỷ đô la Mỹ; có 67.962 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn 747.000 tỷ đồng. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao, GRDP bình quân đầu người ước đạt 172 triệu đồng/năm, tăng hơn 29 lần so với năm 1997.
Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, đến nay, Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 13 tỉnh, thành phố nước ngoài. Đồng thời, cũng là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế, gồm: Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA).
Mục tiêu trở thành đô thị hoàn chỉnh
Bình Dương định hướng phát triển bền vững bằng việc ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, tỉnh sẽ chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, thúc đẩy phát triển bền vững.
Về phía các doanh nghiệp, tại dự án sản xuất đồ chơi Lego có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 44ha, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng của Bình Dương về tăng trưởng xanh, dự kiến hoạt động trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego Preben Enef cho hay, đây là dự án trung hòa carbon đầu tiên của Lego được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Nhà máy không có khí thải carbon, nguồn điện sử dụng hoạt động là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay bên cạnh nhà máy.
Là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC đang tiên phong đồng hành cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) nghiên cứu thúc đẩy cơ hội phát triển Khu công nghiệp sinh thái (EIP) đầu tiên tại Việt Nam theo khung quốc tế EIP 2.0 của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), World Bank và Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ), nhằm đáp ứng các tiêu chí của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho biết, hệ sinh thái EIP kiểu mới là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội, cùng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) năm 2050.
Về lĩnh vực môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương Ngô Quang Sự, cho biết, Bình Dương đã đầu tư nhà máy sản xuất phân Compost với công suất 1.680 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt, xây dựng nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất 4,6MW (xử lý 200 tấn rác thải/ngày). Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thu hồi nhiệt từ lò đốt chất thải để phát điện với công suất 9,6MW; xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị... nhằm phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Dương đạt được, nhất là những bài học kinh nghiệm trong 27 năm xây dựng và phát triển là tiền đề quan trọng giúp tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.