Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Sẵn nền tảng và nhiều thuận lợi trong thi đua thực hiện văn hóa công sở

Bảo Hân| 09/06/2019 09:10

(HNMO) - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) đưa ra nhận định dựa trên những đổi thay trong tác phong phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trao đổi bên hành lang Quốc hội.


Ngày 8-6, UBND thành phố, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Trước đó, ngày 20-5, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức mang nặng tư duy cửa quyền, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

“Những hành vi, biểu hiện còn hạn chế được Thủ tướng nêu đều thể hiện việc chưa thấy rõ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức”, bà Trần Thị Quốc Khánh thể hiện quan điểm.

Đại biểu dẫn lời Bác Hồ dạy, người cán bộ phải là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Nói cách khác, người cán bộ nhà nước sống bằng tiền thuế của dân thì phải làm sao cho xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” của dân. Đó là cả quá trình làm việc tận tâm, tận lực và tận tụy.

Phải bắt đầu từ những người đứng đầu 

“Tại sao có tình trạng “sáng cắp ô đi tối cắp về” hay người cán bộ, công chức, viên chức không làm hết trách nhiệm? Trả lời cho câu hỏi này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu, bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ chính người cán bộ, công chức với nhận thức còn hời hợt về công việc, trách nhiệm của mình thì còn có nguyên nhân sâu xa hơn.

“Tôi đã được chứng kiến thực tế, trong nội bộ cơ quan, người đứng đầu không phát huy được tâm huyết của anh em. Những người này chỉ có hành động phục vụ cho lợi ích nhóm, đẩy người tâm huyết, làm việc hết trách nhiệm vào thế cô lập, nảy sinh “tâm tư”, chán nản.

Người đứng đầu như thế sẽ không bao giờ phát huy được tập thể đoàn kết, khơi dậy tinh thần hằng hái làm việc và khát vọng cống hiến của anh em”, đại biểu Khánh nêu.

Do đó, theo đại biểu, để những cuộc phát động này phát huy hiệu quả thiết thực thì phải bắt đầu chấn chỉnh từ chính những người đứng đầu. Người đứng đầu mỗi đơn vị sẽ được coi là trụ cột để khích lệ tinh thần cống hiến, phục vụ cho tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở những bộ phận do mình quản lý. Nếu người đứng đầu thực sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” thì những cán bộ dưới quyền của họ, nếu đến cơ quan chỉ “ngồi chơi xơi nước” hay “đi muộn về sớm” sẽ cảm thấy xấu hổ và có chuyển biến.

Tiếp tục khuyến khích người dân theo dõi, giám sát

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng chia sẻ cảm nhận của bà sau khi chứng kiến sự thay đổi trong cách phục vụ người dân của nhiều cán bộ bộ phận “một cửa” tại Hà Nội. "Tôi đã được chứng kiến tại phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi người dân nóng nảy quát tháo ầm ĩ thì cán bộ tiếp dân, dù còn rất trẻ, đã nhẫn nại lắng nghe, sau đó có thái độ, cách nói năng, giải thích ôn tồn, khiêm tốn và chu đáo”, đại biểu Khánh bày tỏ sự đồng tình.

Bà nhận định, Hà Nội sẵn nền tảng và nhiều thuận lợi thi đua thực hiện văn hóa công sở, bởi sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của các cấp lãnh đạo thành phố luôn rõ ràng, minh bạch, khách quan. Thành phố ghi nhận và tạo cơ hội cho bất kỳ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nào có khát vọng cống hiến, có nguyện vọng đóng góp vì sự phát triển chung của thành phố.

Ngoài ra, trong những năm qua, Hà Nội cũng đã siết chặt việc thực hiện kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo ra nhiều thế hệ cán bộ tận tâm với công việc, lấy thước đo sự hài lòng của người dân làm hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, thành phố cần tiếp tục khuyến khích người dân theo dõi, giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của người cán bộ, công chức, viên chức để để tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét hơn nữa trong thi đua thực hiện văn hóa công sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sẵn nền tảng và nhiều thuận lợi trong thi đua thực hiện văn hóa công sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.