(HNM) - Quy hoạch phòng, chống lũ đang gây nhiều khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng công trình, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương ở Hà Nội. Tháo gỡ vướng mắc này, thành phố Hà Nội rất cần sự vào cuộc quyết liệt và hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT.
Gia đình ông Phạm Văn Quý, ở thôn 1, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) có 9 nhân khẩu thuộc 3 thế hệ cùng sinh sống trong ngôi nhà 3 gian cấp 4, rộng hơn 50m2, xây dựng từ năm 1985 đến nay chưa được xây mới… Ông Phạm Văn Quý cho biết: “Sinh sống ngoài bãi sông, chúng tôi bị không ít thiệt thòi. Cụ thể, người dân muốn cải tạo, chỉnh trang nhà ở, ngoài việc xin giấy phép xây dựng còn phải làm đơn xin thỏa thuận với cơ quan quản lý đê điều… Hơn nữa, khi có đầy đủ giấy phép, người dân ở đây cũng chỉ được chỉnh trang, xây dựng nhà ở trên nền hiện trạng, không được mở rộng diện tích và chiều cao so với công trình cũ”. Chung cảnh, gia đình ông Phạm Văn Dương ở thôn 2, xã Vạn Phúc có 9 nhân khẩu thuộc 4 thế hệ cũng đang phải cùng sinh sống trong ngôi nhà cấp 4, rộng 48m2…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Văn Hải, Vạn Phúc có 7ha đất công được quy hoạch làm điểm công nghiệp làng nghề để nâng cao thu nhập cho người dân nhưng do vướng quy hoạch phòng, chống lũ nên vẫn chưa được phê duyệt… "Xã cũng có nhiều vị trí đất xen kẹt không thể tổ chức đấu giá, giao thầu để tạo thuận lợi cho người dân giãn cư và có nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội… Cứ như thế này, nhiều khả năng xã sẽ không đạt tiêu chí trở thành phường vào năm 2020”, ông Chử Văn Hải chia sẻ.
Không riêng Vạn Phúc, người dân các xã: Duyên Hà, Yên Mỹ của huyện Thanh Trì cũng nằm trong tình cảnh như vậy. “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thay thế quy hoạch trước đây. Bộ NN&PTNT đã cơ bản thống nhất nội dung Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê do thành phố Hà Nội xây dựng, tại sao các cơ quan chức năng không cắm chỉ giới ngoài thực địa để xác định rõ vị trí nào được bảo vệ, vị trí nào phải di dời để tạo thuận lợi cho người dân, cho địa phương?…”, ông Chử Văn Hải đặt vấn đề.
Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Hồng Minh cho biết, hiện nay, Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa cụ thể hóa nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng khu vực bãi sông theo Quyết định 257/QĐ-TTg… Để tháo gỡ khó khăn cho người dân và các địa phương trong cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng khu vực bãi sông, UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, lập danh mục các công trình, khu vực có nhu cầu xây dựng; dự thảo văn bản của UBND thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, chấp thuận giải quyết… Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT để trao đổi và lấy ý kiến về công tác cấp giấy phép xây dựng cho các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ khu vực bãi sông. Sau khi các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, gửi danh mục thống kê khu vực có nhu cầu xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tổng hợp báo cáo, đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét, giải quyết trong tháng 12 này.
Để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương có đất bãi ven sông thuộc Hà Nội, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp cùng thành phố Hà Nội giải quyết các vướng mắc đang đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.