Giao thông

Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông

Tuấn Lương 06/12/2023 - 16:27

Đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông vẫn chưa đồng bộ hoặc chưa sát thực tế dẫn đến nhà thầu thi công không được tính đúng, tính đủ và rơi vào cảnh càng làm, càng lỗ.

Đó là thông tin được đại diện nhiều nhà thầu nêu tại tọa đàm “Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông”, do Báo Giao thông tổ chức ngày 6-12.

quang-canh-toa-dam.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Bộ định mức chưa phù hợp thực tế

Tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết: “Đơn vị chúng tôi thực hiện rất nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam và thấy rõ sự chênh lệch lớn giữa giá trong hợp đồng so với giá thực tế. Ví dụ, trong đợt “bão giá” vật liệu thi công vừa qua, giá cát đắp theo hợp đồng khoảng 153.000 đồng/m3 nhưng mua khoảng 254.000/m3, chênh hơn 100.000 đồng/m3. Trong công trình, riêng hạng mục cát đắp cần dùng tới 300.000m3, như vậy tính sơ, chúng tôi phải bù tới 30 tỷ đồng”.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra ba nguyên nhân. Thứ nhất, có thể báo giá của địa phương không sát thực tế. Thứ hai, các chủ mỏ bắt tay để thao túng, làm giá. Thứ ba là bất cập về việc thanh tra, kiểm toán sau khi hoàn thành công trình. Kiểm toán thường sử dụng định mức có giá trị thấp nhất. Thời gian qua, nhiều nhà thầu đã có ý kiến về vấn đề này nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi.

“Hệ số khấu hao vật tư thấp, xong công trình có khi phải bán sắt vụn” là thực tế được ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Định An chỉ ra.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, đơn giá ca máy đã lập quá lâu, không có thiết bị đặc chủng, nhà thầu phải đầu tư thiết bị để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hình ảnh. Với khấu hao tính trong đơn giá ca máy, làm xong phải bán ngay, càng giữ càng lỗ.

Về phía đơn vị tư vấn, ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, TEDI phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua phần mềm nhưng chi phí này chưa có hành lang pháp lý để tính.

“Theo hướng dẫn, phần chi phí quản lý tư vấn gồm lương, các loại bảo hiểm, đào tạo nghiệp vụ,... với gần 20 hạng mục. Do đó, bộ đơn giá, định mức cần cập nhật theo thông lệ quốc tế để nhà thầu tư vấn có điều kiện phát triển", ông Võ Hoàng Anh nói.

Nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Tham góp ý kiến về điều chỉnh xây dựng định mức mới và đơn giá dự toán, ông Trần Đình Tuyên, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 7 cho biết, Ban đã trình Bộ Xây dựng hơn 20 định mức tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cầu Mỹ Thuận 2 nhưng thời điểm hiện tại chưa được thống nhất.

cac-du-an-cao-toc-bac-nam-giai-doan-1-dang-duoc-nha-thau-tap-trung-hoan-thien.jpg
Các nhà thầu công trình giao thông đang vướng mắc do đơn giá, định mức chưa sát thực tế.

Để hệ thống định mức bắt kịp thực tiễn, trước mắt, các nhà thầu, chủ đầu tư cùng chung tay với Bộ Giao thông Vận tải cung cấp thêm các cơ sở dữ liệu chính xác, có định lượng để xác định, lập các định mức, đề nghị Bộ Xây dựng thỏa thuận, thống nhất.

Ở giai đoạn 2, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu việc tái cơ cấu một số đơn vị này có chức năng xây dựng định mức, tư vấn lập định mức như Viện Kinh tế xây dựng của Bộ Xây dựng.

Tư vấn, nhà thầu thấy định mức bất cập cũng chủ động xây dựng và gửi về cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải. Định mức nào đủ điều kiện ban hành thì đề xuất ban hành. Cái nào chưa đủ thì đưa vào kế hoạch, đưa vào gói thầu tư vấn xây dựng định mức, thuê cơ quan phù hợp nghiên cứu xây dựng trong quá trình thi công.

"Giai đoạn 3, cơ quan quản lý nhà nước như Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xem xét, tham mưu việc quản lý chi phí theo hướng bằng định mức hay đơn giá thị trường. Nên chăng, chúng ta học hỏi các nước tiên tiến, có một hệ thống thông tin chung để chủ đầu tư, nhà thầu cập nhật thường xuyên đơn giá tại từng vùng, miền. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ đưa ra khuyến cáo việc xây dựng đơn giá. Quyền quyết định là ở chủ đầu tư" - ông Trần Đình Tuyên kiến nghị.

Ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức, đơn giá (Cục Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng) cho biết, theo quy định, bộ định mức sau 3 năm ban hành sẽ rà soát một lần. Đối với Thông tư 12/2021/TT-BXD cũng vừa đến thời điểm cần có sự rà soát, cập nhật. Bộ Xây dựng đã giao Viện Kinh tế xây dựng là cơ quan chủ trì rà soát, cập nhật.

Bộ Xây dựng sẽ rà soát kết quả thực hiện của Viện Kinh tế xây dựng để ban hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.