Thời gian qua, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thực hiện giải ngân tốt nhiều dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm của thành phố như: Dự án đường Vành đai 4, dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…
Đây là nhận định của Đoàn giám sát số 2 của HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội sáng 2-11.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho biết, theo các nghị quyết của HĐND thành phố, đơn vị được giao triển khai thực hiện 89 dự án (được giao làm chủ đầu tư; phối hợp với sở chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; cơ quan quản lý hợp đồng thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP), trong đó 88 dự án sử dụng vốn đầu tư công và 1 dự án trọng điểm đầu tư theo hình thức PPP.
Đối với 88 dự án sử dụng vốn đầu tư công, giai đoạn 2021-2025, đến nay đã bố trí và dự nguồn khoảng 42.539 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2023 là 7.165,4 tỷ đồng. Đáng lưu ý, Ban được giao triển khai thực hiện có 10 dự án, công trình trọng điểm, đến nay đang từng bước triển khai cơ bản tốt.
Cụ thể, Ban đã triển khai hoàn thành 1 dự án trọng điểm đầu tư theo hình thưc PPP và 41/88 dự án đầu tư công. Hiện còn 47 dự án đang triển khai, trong đó đang thực hiện đầu tư 37 dự án và 10 dự án chuẩn bị đầu tư. Dự kiến đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 7 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư công đã hoàn thành là 48 dự án. Sau năm 2023, Ban còn 40 dự án tiếp tục triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024-2025 là 26 dự án, chuyển tiếp sang thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 là 14 dự án.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm còn một số hạn chế, khó khăn, do việc điều chỉnh kế hoạch hằng năm với một số dự án.
Bên cạnh đó, khối lượng công việc nhiều, dự án nhóm A có nhiều hạng mục công việc phức tạp; công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư phụ thuộc vào công tác thụ lý, giải quyết của các sở, ngành, địa phương; đồng thời việc xây dựng kế hoạch triển khai chưa sát thực tế, chưa lường hết được các phát sinh; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc...
Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố kiến nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các quận, huyện, sở ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng (dự án đường Vành đai 4, quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, hầm chui tại nút Vành đai 2,5-đường Giải Phóng...). UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách cho phép tiếp nhận ngay hệ thống chiếu sáng và giao đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện duy tu, duy trì thường xuyên để đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đối với công trình mới hoàn thành...
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, đề nghị Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm rõ thêm một số nội dung về: Tiến độ giải ngân; lý do chuyển tiếp một số dự án sang giai đoạn 2026-2030; làm rõ nguyên nhân một số dự án chậm; đánh giá sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư thì việc phê duyệt dự án có nhanh chậm, vướng mắc...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên ghi nhận, mặc dù khối lượng dự án nhiều, tỷ lệ giải ngân lớn, song Ban đã thực hiện khá tốt so với kế hoạch vốn đã được giao; lũy kế giải ngân đạt khoảng 77 %.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát cũng cho rằng, vẫn còn nhiều dự án Ban làm chủ đầu tư phải gia hạn thời gian thực hiện do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hồ sơ pháp lý, thủ tục hành chính. Trong đó, nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư nhiều lần cho thấy chất lượng của công tác chuẩn bị đầu tư chưa thực sự tốt. Công tác giải ngân của Ban tuy ở mức khá song vẫn còn thấp hơn kỳ vọng và chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Vì thế, thời gian tới, Ban tập trung đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh dự án; nâng cao chất lượng và tăng cường phối hợp các sở, ngành thành phố trong công tác lập, đề xuất giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đảm bảo chất lượng; trong xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, Ban cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi triển khai dự án để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; đặc biệt đối với các dự án trọng điểm như Đường vành đai 4, quốc lộ 6, đường nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3; quan tâm công tác hoàn thiện hồ sơ thanh toán khối lượng kịp thời để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện việc quyết toán, tất toán dự án hoàn thành đảm bảo đúng quy định.
Đối với các sở, ngành thành phố, đồng chí Phạm Quí Tiên đề nghị tiếp tục quan tâm hướng dẫn, phối hợp với Ban trong công tác rà soát, giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm và trong giải quyết các thủ tục đầu tư của các dự án xây dựng cơ bản. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của Ban trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Các quận, huyện có dự án triển khai cũng phối hợp tốt với Ban trong công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện triển khai thi công các công trình đảm bảo tiến độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.