Nông nghiệp

Bảo đảm tiến độ xây dựng công trình lấy nước

Kim Nhuệ 21/11/2023 - 07:27

Trong khi nhiều hồ thủy lợi chưa tích đủ nước, nhiều công trình lấy nước sông chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, Bộ NN&PTNT vừa thông báo sẽ chỉ có 2 đợt điều tiết nước hồ thủy điện phục vụ Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng trung du, Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2023-2024.

Để vượt qua thách thức này, bảo đảm đủ nước gieo cấy, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình đầu mối là việc phải làm ngay từ thời điểm này.

nuoc-nong.jpg
Di chuyển, lắp đặt Trạm bơm dã chiến Phù Sa để lấy nước phục vụ vụ xuân 2024.

Nhiều thách thức về nguồn nước gieo cấy

Ngoài tạo cảnh quan môi trường sinh thái, hồ Suối Hai có nhiệm vụ cấp nước tưới cho khoảng 1.400ha sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì. Tính đến ngày 18-11, dung tích hồ Suối Hai mới đạt 40% thiết kế, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân, nếu thời gian tới trên lưu vực không xuất hiện mưa lớn, không tích đủ nước, hồ Suối Hai khó hoàn thành nhiệm vụ như những năm trước.

Đối với Trạm bơm Trung Hà, đến thời điểm này, các đơn vị được giao nhiệm vụ vẫn chưa thống nhất được phương án đầu tư công trình khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước sông Đà. Thực tế này khiến 6.000 hộ nông dân thuộc 15 xã, thị trấn của huyện Ba Vì lo lắng thiếu nước đổ ải, gieo cấy 3.300ha lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất...

Tương tự, hàng chục nghìn hộ dân khác ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ... cũng đang thấp thỏm nỗi lo thiếu nước đổ ải, gieo cấy lúa xuân khi chứng kiến mực nước sông Hồng, sông Đáy ngày càng suy giảm. Trong khi đó, các trạm bơm: Phù Sa, Bá Giang, Đan Hoài chưa được sửa chữa, xây dựng công trình nâng cấp...

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 12-2023 đến tháng 2-2024 (thời kỳ lấy nước đổ ải, gieo cấy lúa vụ xuân), lượng mưa tại các tỉnh, thành phố miền Bắc có xu hướng giảm; mực nước trên các sông, suối xuống dần. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt 10-30%. Từ tháng 3 đến tháng 5-2024 (thời kỳ tưới dưỡng lúa xuân), lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt 5-20%; sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt 10-20%; sông Lô và sông Hồng thiếu hụt 20-30%...

Triển khai những giải pháp ứng phó

Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Lê Hồng Quang cho hay, đơn vị đã tháo dỡ, mang về sửa chữa 16 tổ máy từ Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm (tài sản do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội điều chuyển). Dự kiến trong tháng 12-2023, công ty sẽ lắp đặt xong những tổ máy trên để tiếp nước cho Trạm bơm Trung Hà vận hành.

Còn theo Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư thủy lợi 1.3 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi 1, Bộ NN&PTNT) Đặng Hoài An, đơn vị đang di chuyển, lắp đặt Trạm bơm dã chiến Phù Sa sang vị trí khác để tạo mặt bằng xây dựng mới công trình thay thế. Dự kiến, trước đợt điều tiết nước hồ thủy điện đầu tiên (bắt đầu từ ngày 23-1-2024), đơn vị sẽ hoàn thành lắp đặt Trạm bơm dã chiến Phù Sa.

Theo ông Lê Hồng Quang, hai trạm bơm dã chiến Phù Sa và Trung Hà (đang triển khai) đều được thiết kế lấy nước sông Hồng, sông Đà ở mực nước thấp, không phụ thuộc nguồn điều tiết của các hồ thủy điện. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa xuân đúng khung thời vụ, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi thành phố đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, sớm đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, Sở đang kiểm tra, tổng hợp, báo cáo thành phố. Trước mắt, huyện Ba Vì cần phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích trong công tác vận hành cấp nước cho các diện tích thuộc lưu vực Trạm bơm Trung Hà, hồ Suối Hai; nghiên cứu xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân 2024 trước tình hình khó khăn về nguồn nước. UBND thị xã Sơn Tây chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ công tác triển khai dự án nâng cấp Trạm bơm Phù Sa. Các quận, huyện, thị xã cần ra quân làm thủy lợi mùa khô; rà soát và có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng lúa có khả năng không bảo đảm đủ nước tưới...

Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết lấy nước trên cơ sở đồng bộ với lịch lấy nước cụ thể của Bộ NN&PTNT, tập trung hoàn thành việc lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân chỉ trong 2 đợt. Để làm được việc này, các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp công trình, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương; sửa chữa các cống lấy nước, thiết bị trạm bơm tưới; lắp đặt trạm bơm dã chiến...

Thực hiện nghiêm túc những giải pháp nêu trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội có thể bảo đảm nguồn nước gieo cấy trong vụ xuân tới. Song, về lâu dài, để giảm phụ thuộc vào nguồn nước điều tiết từ hồ thủy điện, thích ứng với mực nước sông ngày càng hạ thấp trong những năm tới, thành phố Hà Nội cần chú trọng đầu tư công trình tiếp nước cho sông Nhuệ, sông Đáy, nâng cấp các trạm bơm đầu mối, như: Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Bá Giang (huyện Đan Phượng), Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), Tân Độ (huyện Mỹ Đức)...

Ngày 10-11 vừa qua, Bộ NN&PTNT thông báo, vụ đông xuân 2023-2024, các nhà máy thủy điện chỉ điều tiết 2 đợt bổ sung nguồn nước các sông: Hồng, Đà, Đuống phục vụ Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng trung du, Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước đổ ải, gieo cấy lúa xuân với tổng số 12 ngày; giảm 1 đợt và 4 ngày so với những năm trước đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tiến độ xây dựng công trình lấy nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.