(HNM) - Vượt qua nhiều mặt hàng có thế mạnh truyền thống trước kia, rau, quả trở thành
Cần có những giải pháp đột phá nhằm tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu ngành hàng rau, quả vốn giàu tiềm năng ở nước ta. Ảnh: Sơn Hà |
Giàu tiềm năng
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 11 tháng qua, xuất khẩu rau quả ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau, quả ước đạt 292 triệu USD. Dự kiến hết năm 2017, xuất khẩu rau quả có thể đạt 3,4 đến 3,6 tỷ USD. Hiện rau, quả Việt Nam đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường tiềm năng lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Với kết quả xuất khẩu hiện nay, trung bình mỗi ngày rau quả mang về cho nước ta hơn 9,5 triệu USD (tương đương gần 200 tỷ đồng Việt Nam), trong đó mặt hàng trái cây giữ vị trí chủ đạo. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh nông sản đang gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp. Đặc biệt, phản hồi từ thị trường quốc tế về trái cây Việt Nam (qua các Tham tán Việt Nam tại các nước) khá tốt.
Bên cạnh những lợi thế, rau, quả Việt Nam đang còn nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tổ chức sản xuất bất cập, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chất lượng quả chưa cao, năng suất thấp, hệ thống bảo quản kém, số sản phẩm qua chế biến còn ít, chi phí vận chuyển lớn...
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia quốc tế về nông nghiệp cho biết, chi phí vận chuyển nói chung và chi phí vận chuyển bằng đường hàng không nói riêng đang chiếm tỷ lệ rất cao trong giá thành của trái cây. Đơn cử, có thời điểm giá trái vải tại Việt Nam chỉ 20.000 đồng/kg (chiếm 12,7% giá thành), song tiền cước máy bay từ Việt Nam đến Australia là 2,95 USD/kg (chiếm 42,2% giá thành). Nếu tính cả chi phí vận chuyển trong nội địa, cước phí có thể chiếm tới 60% giá thành trái vải khi xuất sang Australia. Hiện việc vận chuyển đã được Nhà nước tháo gỡ, song về lâu dài cần có chiến lược cho xuất khẩu chế biến song hành với xuất khẩu rau, quả tươi...
Một điều đáng suy nghĩ là trong khi "bỏ ngỏ" thị trường trong nước, chỉ tập trung vào thị trường quốc tế, thì xuất khẩu rau, quả lại có dấu hiệu phụ thuộc vào một số thị trường lớn trong khu vực. Ông Vương Đình Khoát - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hugo TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Dù rau, quả Việt đã xuất sang nhiều thị trường tiềm năng có yêu cầu về chất lượng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... và từng bước tiến vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU), song số lượng xuất khẩu còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng nguồn rau, quả trong nước...
Cần bước đột phá
Để tháo gỡ những khó khăn trên, mới đây Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Vì sao doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia vào thị trường sản xuất - kinh doanh trái cây lúc này?".
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết: Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đối diện với nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa trên thế mạnh và khắc phục những hạn chế từ thiên tai... là lựa chọn của ngành Nông nghiệp trong định hướng tái cơ cấu.
Trong đó, rau, quả là một trong những lựa chọn tối ưu. Hiện, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đứng trên các mặt hàng như: dầu thô, sản phẩm từ chất dẻo, gạo, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép... Dẫu vậy, để vươn tới con số xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực rau, quả cần tham gia chuỗi sản xuất và xuất khẩu.
Theo hướng này, Bộ NN&PTNT đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau, quả chủ đạo. Đối với trái cây, tập trung tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2013, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam Bộ đến năm 2020. Theo đó, sẽ có 12 loại trái cây chủ lực là: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt.
Mục tiêu tới năm 2020, 100% sản phẩm trái cây chủ lực trồng tập trung sẽ đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó, hơn 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Đối với rau, định hướng là tập trung sản xuất đặc sản mang thế mạnh riêng của mỗi địa phương, có vùng sản xuất rộng lớn...
Ngoài quy hoạch, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để phát triển việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, chế biến, bảo quản rau, quả, bởi đây là mặt hàng dễ bị hỏng nếu không được bảo quản tốt. Tuy nhiên, bảo quản cần đáp ứng yêu cầu từ phía nhập khẩu là vấn đề đáng quan tâm từ nhiều cấp, nhiều ngành và doanh nghiệp. Đơn cử, việc xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Mỹ nếu đáp ứng tiêu chuẩn thì đây là thị trường tiềm năng.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng, ngành rau quả và trái cây cần tới 500 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án nghiên cứu công nghệ bảo quản cho sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Nhà nước hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghệ chế biến sản phẩm rau, quả Việt Nam...
Chia sẻ băn khoăn của doanh nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Hữu Đạt nhận định: Trái cây tươi của Việt Nam vào các thị trường khó tính vẫn tăng trưởng là nhờ bán vào thời điểm trái vụ hoặc khi các nước khác không có hàng. Nhưng để tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, đủ sức cạnh tranh tại thị trường quốc tế, cần có những biện pháp xúc tiến thương mại tốt hơn và những giải pháp đột phá hiệu quả hơn nhằm tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng rau, quả vốn giàu tiềm năng ở nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.