Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp người khuyết tật khẳng định bản thân

Quỳnh Anh| 25/06/2013 07:24

(HNM) - Đến nay, Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành, tổ 14 phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, giúp họ tự nuôi sống được bản thân, hòa nhập với cộng đồng.

Sự hỗ trợ của các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm giúp trung tâm ngày càng lớn mạnh, trở thành chỗ dựa tin cậy của người khuyết tật.


Ở lớp học đặc biệt của trung tâm có rất nhiều số phận không may mắn. Có em liệt cả hai chân, teo cơ tay, bị khiếm thính, có em lại thiểu năng trí tuệ. Mỗi em một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều có chung khát khao được sống, được khẳng định bản thân. Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các giáo viên của trung tâm sau khóa học hầu hết các em đã thành thạo đường kim mũi chỉ và có thể tự làm các sản phẩm may mặc xuất khẩu.

Em Nguyễn Thị Hạnh bị dị tật ở chân từ nhỏ nhưng đã không quản ngại đường sá xa xôi đến trung tâm xin học nghề may. Hạnh cho biết: "Được sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, hiện tay nghề của em khá vững. Học xong, em sẽ về quê mở hiệu may nhỏ. Em tin mình có thể tự nuôi sống được bản thân chứ không phải phụ thuộc vào gia đình như trước". Em Bùi Thị Lương, ở xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình bị dị tật từ nhỏ, lại không có điều kiện được học tập nên cuộc sống khó khăn, tâm lý nặng nề. Năm 2008, em được trung tâm nhận vào học nghề may. Giờ em đã là công nhân may thành thạo, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn gửi tiền về phụ giúp gia đình. Giống như Hạnh và Lương, em Bùi Thị Quyến cũng có hoàn cảnh hết sức éo le. Quyến là nạn nhân của chất độc da cam, quê ở xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Hai chân không lành lặn, đi phải dùng nạng nhưng Quyến luôn mong muốn có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập để giảm bớt khó khăn cho gia đình. Năm 2003, em được trung tâm nhận vào nuôi dưỡng và dạy nghề. Hiện em có thể may thành thạo các sản phẩm và tình nguyện gắn bó lâu dài với trung tâm để có thể truyền đạt những kiến thức cũng như kinh nghiệm sản xuất các mặt hàng may xuất khẩu cho những bạn có hoàn cảnh không may mắn.

Bà Đào Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành cho biết, trung tâm được thành lập năm 2002. Với mục đích chia sẻ khó khăn, mất mát với những cựu chiến binh, những người kém may mắn trong cuộc sống, trung tâm đã tiếp nhận trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam về nuôi dưỡng, dạy nghề miễn phí để giúp các em hòa nhập cuộc sống, tự chăm sóc bản thân, giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình. "Trước khi trung tâm được thành lập, tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều cựu chiến binh có con bị nhiễm chất độc da cam, chứng kiến cuộc sống khó khăn của nhiều người khuyết tật, nhiều mảnh đời éo le. Từ những chuyến đi này, tôi luôn trăn trở phải làm gì đó để san sẻ gánh nặng với những gia đình có con nhiễm chất độc da cam, bị khuyết tật. Cuối cùng tôi quyết định thành lập trung tâm dạy nghề, giúp những mảnh đời bất hạnh được học nghề miễn phí", bà Hiền nói.

Thời gian đầu gặp phải không ít những khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng với nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo, trung tâm đã dần dần vượt qua khó khăn, phát triển đáng kể về quy mô lẫn chất lượng giảng dạy; công tác đào tạo nghề đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người khuyết tật. Từ năm 2002 đến nay, trung tâm đã dạy nghề cho 2.550 học viên, trong đó có 735 học viên là người khuyết tật, nhiễm chất độc da cam. Sau khi học nghề, các học viên được trung tâm giới thiệu vào làm việc ở các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hòa Bình. Đối với những em có nguyện vọng ở lại, trung tâm bố trí chỗ ăn, ở và tạo việc làm tại các tổ sản xuất hàng may mặc. Hiện có 55 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi đang sống và làm việc trong tổ sản xuất hàng may mặc của trung tâm, thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2,2 triệu đồng/người/tháng.

Với những nỗ lực, cố gắng của mình, Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người khuyết tật khẳng định bản thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.