(HNM) - Một thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh lành mạnh, có khả năng hội nhập quốc tế, nhất thiết phải có hoạt động giám định nhằm xác định tính nguyên gốc của tác phẩm và bản quyền tác giả.
Ở nước ta, dù cơ quan nhà nước đứng ra thực hiện công tác này, nhưng vẫn gặp khó, ít người tìm đến. Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành khẳng định: “Không vì thế mà chúng ta bỏ cuộc. Phải đi mới thành đường”.
“Trọng tài” - thừa và thiếu
Tháng 12-2018, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - đơn vị trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chính thức đi vào hoạt động, khiến giới nghề rất phấn khởi. Nhiều năm nay, tình trạng tác phẩm nghệ thuật bị vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra liên tiếp và thường không có hồi kết do thiếu “trọng tài”.
Theo ông Vi Kiến Thành, trên thế giới, công tác giám định tác phẩm nghệ thuật thường do tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân đứng ra thực hiện. Tại Việt Nam, dù đã nhiều năm vận động, song chưa có tổ chức độc lập nào tham gia hoạt động này. Vì vậy, trước mắt, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm mạnh dạn bắt đầu từ “con số 0”: Chưa ai làm, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc, trang thiết bị kỹ thuật.
Tuy nhiên, sau 11 tháng có quyết định thành lập và 7 tháng thông báo hoạt động, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh chưa chính thức lập hồ sơ giám định thành công tác phẩm nào. Thực tế, có 7 trường hợp mang tranh đến Trung tâm để giám định, nhưng cả 7 bức tranh đều được Hội đồng giám định tác phẩm hội họa nhận định là tranh giả. Những người đề nghị giám định lẳng lặng rút tranh về.
Bà Dương Thu Hằng, đại diện Hanoi Studio Gallery cho rằng, chỉ bằng cảm quan rất khó xác định được tranh thật - giả, vì vậy, phải có người giám định chuyên nghiệp. Theo bà Hằng, một nhà sưu tập Hàn Quốc đã khẳng định, từ mấy chục năm trước có 2 gallery lớn của nước này sang mua hầu như toàn bộ tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên tranh của ông ở Việt Nam hiện khó có thể là thật. “Vì vậy, mỗi lần có trong tay tranh gắn tên của Bùi Xuân Phái là tôi khá hoang mang, có nhu cầu giám định ở nơi uy tín”, bà Dương Thu Hằng cho biết.
Giám đốc Tổ chức đấu giá chọn Vũ Anh Tuấn cho hay, công tác giám định cũng như đấu giá là những viên gạch không thể thiếu để xây dựng thị trường nghệ thuật phát triển chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Với uy tín trong việc thẩm định, cấp phép, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; với Hội đồng giám định có chuyên môn cao và sự trợ giúp về thiết bị của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là đơn vị thuận lợi nhất để thực hiện công tác này trong bối cảnh hiện nay.
Thực trạng trên đúng như nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành, thành viên Hội đồng giám định tác phẩm nhiếp ảnh nhận định: “Không có thì thiếu, vì mỗi khi có chuyện “đạo”, “nhái” tác phẩm là cộng đồng lại xôn xao bàn cãi. Nhưng khi có lại cảm thấy thừa, vì rất ít tổ chức, cá nhân nhờ tới”.
Gỡ dần những khó khăn
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở nước ta hiện nay đứng trước 3 khó khăn. Đó là thiếu các quy định pháp lý về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật; tâm lý thiếu tin tưởng, không muốn công nhận khả năng “trọng tài” của người khác; thiếu máy móc, trang thiết bị khoa học, kỹ thuật chuyên dụng.
Về vấn đề máy móc, trang thiết bị khoa học, kỹ thuật thì hiện tại, Viện Khoa học Hình sự đã thống nhất phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trong công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Điều này góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời làm trong sạch thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh - công việc mà hai cơ quan đang nỗ lực thực hiện.
Về tâm lý thiếu tin tưởng người giám định, theo nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành, việc này phụ thuộc vào uy tín và trình độ của đội ngũ giám định. Hiện tại, Hội đồng giám định tác phẩm của các chuyên ngành đều quy tụ những chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động trên 10 năm trong mỗi lĩnh vực. Song, nhà phê bình Nguyễn Thành cho biết, đời sống nghệ thuật liên tục chuyển động, vì vậy, các thành viên Hội đồng phải thường xuyên nâng cao hiểu biết cá nhân, theo dõi thị trường sát sao mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Bên cạnh đó, muốn hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh hiệu quả, chuyên nghiệp, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cần xây dựng hồ sơ nghệ sĩ một cách bài bản. Việc giám định rất cần thông tin về xuất xứ, nguồn gốc tác phẩm, nhưng công tác lưu trữ, xây dựng hồ sơ, tư liệu về nghệ sĩ, thời kỳ nghệ thuật chưa được thực hiện tốt trong một thời gian dài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai cho rằng, hồ sơ nghệ sĩ nên gồm 2 phần, tiểu sử và danh mục tác phẩm, càng chi tiết càng tốt, trong đó cập nhật thường xuyên biến động tác phẩm. Để lập được hồ sơ cần thiết có sự chung tay của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Bản quyền tác giả, các hội nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Về các quy định pháp lý, theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết hơn về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này, góp phần phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam theo đúng quy luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.