Văn hóa

Cuộc đối thoại mỹ thuật phương Đông

Yên Nga 28/01/2024 - 07:30

Sự kết hợp phương Đông và phương Tây trong sáng tạo nghệ thuật rất đặc sắc, ấn tượng, song sự tương tác, đối thoại giữa các nền nghệ thuật, văn hóa phương Đông cũng đem đến nhiều tác phẩm thú vị không kém.

Điều đó thể hiện trong triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” đang diễn ra tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Triển lãm mở ra một không gian trải nghiệm nghệ thuật và văn hóa sáng tạo, giàu ý nghĩa.

tac-pham-nghe-thuat.jpg
Công chúng thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”. Ảnh: An Thụy

Sau những nghiên cứu và tương tác với dòng tranh dân gian Hàng Trống tạo nên nhiều cuộc triển lãm ghi dấu ấn trong suốt 3 năm qua với dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”, thầy và trò Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục mở ra một không gian sáng tạo rộng hơn. Đó là đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e. Dự án lần này có sự phối hợp của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ Văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation) và Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên hướng dẫn và giám tuyển dự án cho biết, tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e, hay còn được gọi dưới cái tên “Phù thế hội” - những bức tranh của thế giới phù du hư ảo. Dòng tranh này mang đầy đủ giá trị tinh hoa trong sáng tạo cũng như tinh thần Nhật Bản. “Chúng tôi muốn đi xa hơn khi đẩy những nguồn cảm hứng của những cuộc đối thoại xuyên văn hóa, xuyên quốc gia. Yếu tố truyền thống của các dân tộc khác, nền văn hóa khác, mà cụ thể là dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e được kết hợp với những giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật cổ truyền của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang… và những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trẻ hôm nay, mang đến những tác phẩm thú vị, đậm hơi thở của thời đại”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định.

“Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” giới thiệu với công chúng 38 tác phẩm mới sáng tác của 34 tác giả trẻ. Có tác phẩm thể hiện sự tương đồng và khác biệt của văn hóa Việt Nam và Nhật Bản như bức tranh màu nước trên giấy giang “Đám cưới chuột” của tác giả Hoàng Thúy Quỳnh lấy cảm hứng từ tác phẩm “Đám cưới cáo” trong dòng tranh Ukiyo-e; tác phẩm tranh lụa “Giao” của tác giả Bùi Thảo My lấy cảm hứng từ tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” và “Kamisuki” (Chải tóc)... Có tác phẩm cảm tác từ thơ Haiku và dòng tranh Kacho-ga - dòng tranh nhỏ trong Ukiyo-e, như bức “Bóng râm” của tác giả Nguyễn Thị Hiếu. Bức tranh lụa “Chuyện ngày thường” của tác giả Đặng Mỹ Linh lại lấy cảm hứng tiểu thuyết Nhật Bản và dòng tranh Harimaze. Còn tác phẩm “Người con gái hái dâu” của tác giả Trần Thị Hội về cuộc đời của Nguyên phi Ỷ Lan vẽ theo phong cách tranh mỹ nhân họa của dòng tranh nước bạn…

Họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung có 2 bức tranh nhỏ thực hiện theo bố cục tranh trục phương Đông và lấy cảm hứng từ dòng tranh Kacho-ga vẽ về thiên nhiên và muông thú. Tác phẩm có sự đối thoại thú vị xưa - nay khi đưa hình ảnh các thiết bị hiện đại vào tranh mà như tác giả chia sẻ: “Có nhiều loài vật đã thích nghi với cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang tận hưởng vui vẻ”.

Tham quan triển lãm, bạn trẻ Trần Đức Anh (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) bày tỏ: “Thưởng thức các tác phẩm tôi mới biết những hình ảnh biểu trưng quen thuộc của Nhật Bản xuất phát từ đâu. Đặc biệt, các họa sĩ trẻ của Việt Nam đã đối thoại mượt mà với tranh của nước bạn, đem đến cảm nhận vừa truyền thống, vừa hiện đại, rất thú vị”.

Phối hợp tổ chức dự án, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, mỗi tác phẩm đều có sự đối thoại giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản cả về nội dung, chất liệu, cách thể hiện. Triển lãm mở ra cơ hội quảng bá với bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời là cơ hội để giới thiệu nét tinh túy, đặc sắc của văn hóa thế giới nói chung, văn hóa Nhật Bản nói riêng tới công chúng Việt Nam. Đây cũng là hoạt động góp phần đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo hấp dẫn nghệ sĩ, công chúng trong nước cũng như quốc tế.

Dự án “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” góp phần nuôi dưỡng đam mê và thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ các giá trị văn hóa, các giá trị mỹ thuật truyền thống Việt Nam cũng như các nền văn hóa khác của các nghệ sĩ trẻ, đóng góp xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đối thoại mỹ thuật phương Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.