(HNM) - Theo quy định, khi mua căn hộ chung cư, khách hàng phải đóng phí bảo trì tòa nhà (bằng 2% tiền mua căn hộ). Khoản phí này do chủ đầu tư thu, có trách nhiệm bàn giao cho ban quản trị để quản lý, phục vụ công tác bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chây ỳ, chậm chuyển giao khoản kinh phí này, khiến những tranh chấp, xung đột bị thổi bùng tại nhiều chung cư. Thực tế đó đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh để dập tắt xung đột này...
Xung đột vì quỹ bảo trì
Tháng 7-2019, sau nhiều lần đối thoại không thành công, cư dân tòa nhà Hei Tower (số 1 phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân) đã treo băng rôn phản đối, yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư điện lực (HNPIC) chuyển trả quỹ bảo trì, bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng...
Theo Ban quản trị tòa nhà, HNPIC mới chuyển 4 tỷ đồng trên tổng cộng 21 tỷ đồng kinh phí bảo trì chung cư phải chuyển trả. Ngoài ra, chủ đầu tư còn chiếm dụng phòng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 2 giao cho một đơn vị khác khai thác làm quán ăn.
Tương tự, xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư xảy ra nhiều năm nay tại chung cư Westa (quận Hà Đông). Ông Nguyễn Tiến Đạt (căn hộ 11A4B) cho biết: “Toàn bộ kinh phí bảo trì chung cư (khoảng 12 tỷ đồng) đang bị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 18 chiếm giữ....”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 959 nhà chung cư, trong đó có 86 chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Trong khi đó, trên địa bàn cả nước cũng có khoảng 456/3.000 chung cư có tranh chấp. Trong số này, có 68 tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì sở hữu chung (chiếm 15%).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với chung cư trên 20 tầng, kinh phí bảo trì sở hữu chung ước khoảng 20 tỷ đồng. Hà Nội có chung cư lớn, kinh phí bảo trì tới hơn 100 tỷ đồng.
“Đây là “miếng mồi lớn” đối với một số phần tử xấu. Họ tìm cách “chui” vào ban quản trị để trục lợi, sử dụng quỹ không đúng mục đích như thay thế, sửa chữa vật tư, thiết bị còn tốt; cấu kết với các nhà thầu nâng giá thiết bị, dịch vụ... Thậm chí, đã có trường hợp đại diện ban quản trị mang quỹ bảo trì bỏ trốn” - ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Không chỉ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư do bị “om” quỹ bảo trì, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tranh chấp còn xảy ra giữa cư dân và ban quản trị do không công khai, minh bạch trong quản lý quỹ bảo trì và vận hành, quản lý tòa nhà.
Tranh chấp, khiếu kiện kéo dài tại nhiều chung cư đã dẫn đến những “điểm nóng” về an ninh trật tự khu vực. Đây cũng là lý do lần đầu tiên công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì được Bộ Xây dựng đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2020. Theo đó, những dự án xảy ra tranh chấp kéo dài tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ nằm trong “tầm ngắm” thanh tra năm tới.
Tăng cường các giải pháp
Trước các tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Trần Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trong các năm 2018-2019, UBND thành phố Hà Nội, các sở ngành, các quận và một số huyện đã chủ động triển khai công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Đến nay Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra 77/86 trường hợp; lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 16 trường hợp, với số tiền 985 triệu đồng. Đồng thời, thông báo công khai danh sách 13 chủ đầu tư chây ì chuyển giao kinh phí bảo trì; báo cáo UBND thành phố đề nghị ban hành văn bản yêu cầu bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì, phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị...
Nhằm giải quyết cũng như hạn chế các tranh chấp phát sinh, ngày 28-6-2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TU tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch 241/KH-UBND (ngày 15-11-2019), triển khai Nghị quyết 26-NQ/TU, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã... Đáng chú ý, những chủ đầu tư vi phạm không những không được tham gia đầu tư, phát triển dự án nhà ở mới, mà còn bị thành phố kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Về phía Bộ Xây dựng, trước các tranh chấp, khiếu nại xảy ra tại nhiều chung cư, tháng 3-2019, Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn kiểm tra nhằm xem xét thực tiễn ở 2 khía cạnh pháp luật và tổ chức thực hiện tại một số chung cư có tranh chấp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 29/CT-TTg (ngày 9-10-2018) về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xem xét, sửa đổi những bất cập liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, nhiều thay đổi mới đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 06/2019/TT-BXD ngày 31-10-2019, sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, về quản lý kinh phí bảo trì chung cư, Thông tư 06/2019/TT-BXD quy định tối thiểu là 3 thành viên ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư; trong đó có ít nhất 1 đại diện chủ sở hữu khu căn hộ. Đồng thời, quy định định kỳ 6 tháng ban quản trị thông báo công khai trên bảng tin nhà chung cư các khoản chi tiêu, tiền gửi kinh phí bảo trì (nếu có)... Việc bổ sung thành viên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhằm bảo đảm phí bảo trì được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, chi tiêu không đúng mục đích...
Với việc tăng cường kiểm tra, thắt chặt xử lý bằng các quy định mới, hy vọng sẽ giúp dập tắt dần những xung đột hiện hữu, góp phần mang lại sự ổn định cho cư dân cũng như xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.