Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng nhiều nỗi lo

Thùy Dương| 03/06/2017 07:04

(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút nước này ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bước đi này nhằm giúp ông hiện thực hóa cam kết khi tranh cử, song sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực của các quốc gia trên toàn cầu nhằm làm giảm tình trạng nóng dần lên của Trái đất.

Tình trạng hạn hán, sa mạc hóa ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.


Rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống D.Trump. Ông D.Trump đã nhiều lần bác bỏ quan điểm sự thay đổi khí hậu do con người gây ra và gọi đó là trò "lừa đảo", "chơi khăm" của Trung Quốc nghĩ ra để buộc Mỹ cắt giảm sản xuất trong nước; đồng thời coi đây là “một hiệp định tồi”, bất công đối với Mỹ, làm mất công ăn việc làm của người lao động và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại xứ Cờ hoa.

Việc rút khỏi Hiệp định trên đã đặt Mỹ bên cạnh Syria, quốc gia đang bị cuốn vào cuộc nội chiến, là nước duy nhất không xem biến đổi khí hậu như một vấn đề chính sách. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước Mỹ. Trong khi đó, những người ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cảnh báo quyết định của Tổng thống D.Trump có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái đất.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, mà cựu Tổng thống B.Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế nhận được sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng thế giới đối với các vấn đề khí hậu. Hiệp định này quy định tất cả các nước thành viên phải đề ra mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cụ thể, Mỹ cam kết giảm 26 - 28% lượng khí thải CO2 trong vòng một thập kỷ. Theo cơ sở dữ liệu về khí thải của Ủy ban Châu Âu, Mỹ là nước thải nhiều khí CO2 thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Phân tích của nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận về khí hậu Climate Interactive chỉ ra rằng, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng cao hơn 0,3 độ so với việc nước này tiếp tục tham gia Hiệp định. Như vậy, nhân loại khó tránh khỏi nguy cơ đối mặt với nền nhiệt độ gia tăng hơn 2 độ C vào năm 2100. Đa số các nhà khoa học đồng quan điểm rằng nhiệt độ cao hơn sẽ khiến mực nước biển dâng cao, gây ngập lụt cho những thành phố ven biển, tuyệt chủng trên quy mô lớn, hạn hán, khủng hoảng di cư, nắng nóng, mùa màng thất thu và bão mạnh.

Quyết định của Tổng thống D.Trump về việc rời khỏi Hiệp định Paris sẽ gia tăng nhiều lo lắng về tương tác của Mỹ với phần còn lại của thế giới. Bất kỳ chính sách cắt giảm khí thải mới nào cũng sẽ tác động, gây áp lực lên các công ty dầu lửa và than để giảm lượng khí thải carbon. Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ông D.Trump, các cổ đông của Hãng dầu lửa Exxon đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu công ty báo cáo hằng năm về cách đối phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những đánh giá cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định là không tốt, thì bản thân triển vọng của văn bản này cũng không phải là tuyệt đối trước khi ông D.Trump có quyết định cuối cùng. Chính sách giảm phát khí thải mà ông B.Obama đưa ra không đủ để đạt được mục tiêu của Mỹ trong Hiệp định Paris cho dù các mục tiêu này có được thực hiện đầy đủ. Cũng theo các nhà khoa học, mục tiêu của Hiệp định về khí hậu là quá khiêm tốn để hạn chế nhiệt độ toàn cầu. Để đạt được như kỳ vọng, lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ phải bằng không vào cuối thế kỷ này - một nhiệm vụ bất khả thi.

Có thể nói, quyết sách mới của Tổng thống D.Trump một lần nữa thể hiện quan điểm nhất quán coi “Nước Mỹ trên hết” của ông. Tuy nhiên, bất kỳ sự trì hoãn nào trong nỗ lực ngăn chặn hiệu ứng nhà kính của Mỹ có thể khiến quốc gia này nói riêng và toàn thế giới nói chung phải gánh thêm nhiều nỗi lo cũng như những tổn thất không nhỏ trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng nhiều nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.