Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì đà phát triển bền vững

Bắc Vũ| 01/11/2022 05:57

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong quý III-2022 duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 3,5 triệu người so với quý III-2021 (thời kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19).

Tín hiệu rất tích cực nữa là số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý III-2022 là gần 1,06 triệu người, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và giảm 658,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Điều đặc biệt là thu nhập, đời sống của người lao động được bảo đảm hơn. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III-2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143.000 đồng so với quý II.

Với những con số rất lạc quan về thị trường lao động cho thấy, việc chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, tập trung các giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã giúp người lao động duy trì việc làm, tìm kiếm được việc làm, bảo đảm đời sống, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm thị trường lao động, việc làm rất sôi động. Do đó, để duy trì đà phục hồi, phát triển bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch Covid-19 để đáp ứng chính sách phù hợp, kịp thời, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm; xây dựng, hoàn thiện mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống các sàn giao dịch việc làm ở các địa phương, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người lao động như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Theo đó, các hoạt động cần chú trọng là tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lưu động nhằm giúp chuyển tải thông tin chính xác về cung - cầu lao động đến trực tiếp với từng đối tượng cụ thể, giúp người lao động có nhiều cơ hội kiếm việc làm, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển được lao động đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Cũng để đáp ứng nhu cầu dài hạn cho thị trường lao động, các ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường chất lượng cao, hướng đến đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo theo hướng phát triển người lao động toàn diện, có tay nghề vững trong kỷ nguyên số. Mặt khác, cần chú trọng phát triển mạnh mô hình đào tạo kết hợp với doanh nghiệp, đào tạo trong doanh nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, với mục tiêu cao nhất phải đạt được là gắn đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Thêm một giải pháp quan trọng, mang tính lâu dài là cần đẩy mạnh liên kết các vùng trong cả nước, tập trung tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân yên tâm làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định. Đây chính là hướng phát triển bền vững để đưa thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy trì đà phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.