(HNMO) - Trước sự quyết liệt của Thành phố Hà Nội, các chủ sở hữu du thuyền, nhà nổi trên hồ Tây đã ngừng mọi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Hànộimới sáng 17-2, quá trình tháo dỡ, di dời các du thuyền, nhà nổi nói trên vẫn diễn ra rất chậm.
Tồn tại trên hồ Tây (chủ yếu tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi - Thanh Niên) từ nhiều năm nay là các du thuyền, nhà nổi hoạt động kinh doanh. Qua đợt kiểm tra gần nhất của các cơ quan chức năng, nhiều chủ đơn vị kinh doanh đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, nhiều phương tiện cũng quá hạn đăng kiểm.
Mặt nước hồ Tây tại khu vực này đã bị ô nhiễm trầm trọng do lượng rác và nước thải từ các du thuyền, nhà nổi sau nhiều năm hoạt động kinh doanh, vừa gây mất mỹ quan, vừa ảnh hưởng tới đời sống của người dân quanh khu vực.
Trước thực trạng trên, UBND Thành phố Hà Nội ngày 9-2 đã ban hành thông báo liên quan đến kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung về việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh, xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời các nhà nổi, du thuyền, cầu dẫn... nhằm phục vụ công tác nạo vét, cải tạo môi trường nước hồ Tây trong Quý I/2017.
Đến ngày 16-2, UBND phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) đã ra "tối hậu thư" yêu cầu các chủ đơn vị liên quan ngừng mọi hoạt động kinh doanh, hoàn thành tháo dỡ phần cầu dẫn và sàn cứng trước ngày 20-2. Tuy nhiên, theo ghi nhận, công tác tháo dỡ vẫn diễn ra rất chậm, nhiều cầu tàu, nhà nổi vẫn còn nguyên và chỉ có số ít du thuyền rời đi.
Nhân viên tại du thuyền Tây Long 2 cho biết chủ sở hữu đã cho ngừng mọi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, du thuyền và nhà hàng này vẫn "án binh bất động" cho đến thời điểm 10 giờ sáng ngày 17-2.
Trong khi đó, bảo vệ tại Bến du thuyền hồ Tây cho biết, bến đã ngừng hoạt động từ lâu, còn việc di dời thì không rõ.
Ngoài các đơn vị hoạt động kinh doanh từ nhiều năm qua, tại khu vực này vẫn tồn tại nhà hàng du thuyền Nàng tiên cá đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều năm bị bỏ hoang.
Tại khu vực Đầm Bẩy (phường Nhật Tân), UBND quận Tây Hồ đã bố trí khu vực tập kết dành cho các du thuyền và nhà nổi, trước khi tiến hành di dời, tháo dỡ.
Trước động thái quyết liệt của TP Hà Nội, các chủ đơn vị kinh doanh cần hợp tác để đi đến giải pháp ổn thỏa nhất. Đây là điều cần phải làm, để công tác giải tỏa và cải tạo môi trường nước hồ Tây được diễn ra thuận lợi, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho "lá phổi xanh" của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.