Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực mới cho làng nghề

Thế Văn| 25/02/2023 06:35

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Cùng với việc kiến tạo môi trường hoạt động thiết kế sáng tạo, các trung tâm này có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp làng nghề quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm làng nghề gắn với các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Hà Nội là “đất trăm nghề”. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố có 800 làng nghề đang hoạt động, trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Mỗi sản phẩm làng nghề mang trong mình những câu chuyện riêng, có môi trường văn hóa riêng… đã và đang tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Đến với các làng nghề Hà Nội, du khách có thể tìm cho mình những sản phẩm độc đáo, được nghe kể những câu chuyện lịch sử, văn hóa và trải nghiệm cùng đời sống nông thôn.

Trong môi trường sáng tạo và liên kết, các sản phẩm tinh hoa của làng nghề đã được ngành Du lịch sử dụng, khai thác theo tiêu chuẩn riêng, góp phần nâng cao giá trị, gia tăng thu nhập cho người nông dân. Theo nhận định của giới chuyên gia, nền tảng của việc kết nối sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch không chỉ thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề.

Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn thành phố còn không ít “rào cản” như: Hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ, hoạt động tự phát, chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho phát triển các loại hình dịch vụ du lịch; việc bảo tồn văn hóa truyền thống làng nghề chưa được chú trọng đúng mức; thiếu không gian và môi trường sáng tạo nên sản phẩm chưa đa dạng…

Theo Kế hoạch số 49/KH-UBND của UBND thành phố, đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ phát triển 5-9 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Đây có thể xem là một đột phá bởi các trung tâm này sẽ tạo môi trường liên kết giữa các nghệ nhân làng nghề, những nhà thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành… từ đó khai thác ưu thế văn hóa địa phương, tạo nên những sản phẩm giàu tính sáng tạo cũng như thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong việc phát huy giá trị văn hóa làng nghề trên địa bàn.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, các cơ quan chức năng của thành phố cần khẩn trương vào cuộc. Sở NN&PTNT nghiên cứu và bố trí kinh phí xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố và các địa phương; đồng thời phối hợp với các đơn vị quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình bổ trợ phục vụ khu du lịch, điểm du lịch…

Cùng với việc thúc đẩy các giải pháp liên kết giữa các nghệ nhân, nhà thiết kế, các đơn vị nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, các cơ quan chức năng của thành phố cần phối hợp với doanh nghiệp du lịch hình thành các tour, cũng như tổ chức các hoạt động liên quan đến du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp nhằm thu hút khách đến tham quan, mua sắm tại các trung tâm. Mặt khác là chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm thiết kế sáng tạo của làng nghề.

Làng nghề Hà Nội cần có sự đột phá, tạo động lực mới phát triển ở tầm mức mới!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực mới cho làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.