(HNM) - Bầu không khí vốn không mấy yên bình ở khu vực Đông Bắc Á lại vừa bị Triều Tiên “đốt nóng” bởi vụ phóng tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung có tên Pukguksong-2 hôm 12-2.
Đây được cho là thông điệp nhằm vào chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Mỹ để thắt chặt mối quan hệ đồng minh. Điều này sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Bình Nhưỡng với các quốc gia láng giềng.
Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên khiến căng thẳng gia tăng ở khu vực Đông Bắc Á. |
Tại Nhật Bản, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã nhất trí kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp nghiêm khắc, bao gồm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Một quan chức cấp cao thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là hành động cố tình khiêu khích để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và không bị bỏ quên trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ. Cũng theo quan chức này, vụ thử tên lửa đạn đạo mới cũng có thể cổ súy chủ nghĩa dân tộc trước thềm lễ sinh nhật của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il vào ngày 16-2.
Trong một phản ứng mới nhất trước sự kiện trên, nhiều quan chức quân sự Hàn Quốc tiết lộ nước này đang xem xét phóng thử một tên lửa đạn đạo để làm dịu các mối lo ngại an ninh và chứng tỏ quyết tâm trả đũa bất kỳ hành động gây hấn nào. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh giai đoạn cuối chương trình lắp đặt Hệ thống phòng thủ chung (THAAD) với Mỹ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Để chống lại các đợt tấn công tiềm tàng từ Bình Nhưỡng, chiến lược đánh chặn tên lửa luôn là trụ cột quan trọng trong chính sách phòng thủ của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong kế hoạch, THAAD không được đưa đến Nhật Bản nhưng nhiều phân tích cho rằng, việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa có thể khiến Tokyo cân nhắc sử dụng hệ thống này một cách nghiêm túc hơn. Điều đó sẽ đẩy căng thẳng ở Đông Bắc Á lên một nấc thang mới. Từ trước tới nay, Trung Quốc thường xuyên đưa ra những phản ứng gay gắt với việc Lầu Năm Góc đưa giàn tên lửa tối tân tới khu vực trong chương trình phòng thủ chung Mỹ - Hàn. Nhật Bản cũng tìm cách dỡ bỏ hạn chế cấm nước này tái vũ trang sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, đưa Cục Phòng vệ trở thành một Bộ Quốc phòng đúng nghĩa. Việc này không chỉ để đề phòng Triều Tiên mà còn nhằm ứng phó với tình trạng căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
Trước những lo ngại về an ninh, bộ ba Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trên cả phương diện song phương lẫn đa phương cùng với Liên hợp quốc trong việc xử lý vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ D.Trump và đội ngũ cố vấn có thể sẽ cân nhắc các lệnh trừng phạt mới như thắt chặt kiểm soát tài chính, tăng cường các vũ khí hải quân và không quân cũng như các cuộc tập trận chung trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn nhằm thảo luận về vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, nhằm tìm cách tạo thêm áp lực buộc chính quyền Triều Tiên phải dừng tất cả các vụ phóng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và từ bỏ vĩnh viễn các chương trình tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên HĐBA LHQ cũng yêu cầu Triều Tiên quay trở lại tham gia các cuộc đàm phán với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cuộc đàm phán 6 bên đang bị đình trệ.
Nếu không có những biện pháp hữu hiệu, giới phân tích quốc tế cho rằng, nguy cơ căng thẳng sẽ gia tăng hơn nữa nếu Triều Tiên thực hiện lời đe dọa phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể bắn tới lục địa Mỹ trong một ngày không xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.