Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với các cơ quan của thành phố trước kỳ họp thứ năm

Hiền Thu - Ảnh: Viết Thành| 16/05/2018 14:59

(HNMO) - Chiều 16-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với các cơ quan của thành phố trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.


Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng. Về phía lãnh đạo TP Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn…

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, qua buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ nắm bắt được tình hình thực tế cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Các ý kiến phát biểu cần tập trung vào các vấn đề được quan tâm, tránh trùng lặp để Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có thể lắng nghe được nhiều ý kiến nhất…

Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của thành phố trong 4 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng còn lại của năm 2018.

Theo đó, kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn 4 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực; các chỉ số kinh tế chủ yếu đều tăng khá và cao hơn mức cùng kỳ năm trước. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; duy trì 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng, bảo đảm chất lượng, giải quyết đúng thời hạn. Trong 4 tháng đầu năm, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 21 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư 16.336 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 dự án, trong đó có 9 dự án tăng vốn; thu hút 744 triệu USD vốn đầu tư FDI; cấp giấy chứng nhận thành lập mới 8.139 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 78.222 tỷ đồng… Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lũy kế đến nay đạt 238.849 doanh nghiệp. Thu ngân sách trên địa bàn 4 tháng đầu năm đạt 77.031 tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán năm, tăng 12,4% so với cùng kỳ. 

Thành phố đã tiếp tục đẩy mạnh quản lý và phát triển đô thị. Trật tự, an toàn giao thông được duy trì tốt. Trật tự đô thị tiếp tục được tăng cường quản lý. Công tác chiếu sáng và chỉnh trang đô thị, trồng, duy trì, cắt tỉa cây xanh, chăm sóc công viên, vườn hoa được thực hiện tốt. Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được đẩy nhanh tiến độ. 4 tháng đầu năm, toàn thành phố đã trồng thêm 340,9 nghìn cây các loại, nâng tổng số cây đã trồng lên 800 nghìn cây, đạt 80% mục tiêu chương trình.

Cùng đó, các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác cải cách hành chính, nội chính và đối ngoại tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. 

Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại cần quan tâm khắc phục như: Hiện tượng ùn ứ giao thông vẫn xảy ra; công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm so với kế hoạch đề ra; tình hình khiếu kiện tập trung đông người còn diễn biến phức tạp; công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Về một số nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng còn lại của năm 2018, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường, nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, trật tự xây dựng, đô thị, bảo vệ môi trường…

Đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, TP Hà Nội đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội. Cụ thể, đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần xác định đầy đủ, rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong toàn bộ quy trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh theo hướng phân công hợp lý, bảo đảm kiểm soát quyền lực, trách nhiệm đến cùng của Chính phủ trong việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ chủ trì soạn thảo, trình.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch, thành phố đề nghị sớm thông qua để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật trong hệ thống pháp luật cùng điều chỉnh các nội dung về quy hoạch.

Đối với Luật Đầu tư công, thành phố đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 17 theo hướng cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định phê duyệt dự án thuộc cấp tỉnh quản lý nhưng sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách cấp huyện. Lý do là tại một số địa bàn cấp huyện, có dự án thuộc TP Hà Nội quản lý theo phân cấp nhưng ngân sách thành phố chưa có khả năng cân đối bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi dự án đó rất cấp thiết, cần thực hiện đầu tư và địa phương (cấp huyện) có khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho dự án. Thành phố cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng chỉ nên thực hiện mô hình kế hoạch đầu tư công trung hạn địa phương tại 2 cấp: Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp huyện, không quy định về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tại cấp xã…

Cử tri kiến nghị sớm giải quyết các vấn đề dân sinh

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh; y tế; giáo dục và đào tạo; bảo vệ tài nguyên và môi trường; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; an ninh, trật tự và an toàn xã hội... Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội kiến nghị: Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật xét xử nghiêm những người có liên quan đến các vụ án tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước; tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng; đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát chất lượng và công tác quản lý các dự án, khu chung cư cao tầng, tăng cường phòng chống cháy, nổ và xử lý nghiêm các vi phạm…

Tại buổi làm việc, một số đại biểu Quốc hội nêu thêm các vấn đề mình quan tâm và đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ các giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, vấn đề cải tạo chung cư cũ, tình trạng khiếu kiện kéo dài, tập trung đông người…

Thành phố quyết tâm giải quyết hiệu quả các vấn đề

Giải đáp nhiều vấn đề mà cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã thông tin cụ thể các chủ trương của thành phố nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các sông, làng nghề trên địa bàn, tình trạng ô nhiễm không khí và nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Thành phố hiện đang triển khai 2 dự án xử lý nước thải, dự kiến cuối năm 2020 đầu năm 2021 sẽ hoàn thành; thí điểm xây dựng nhà máy xử lý ô nhiễm cho 3 làng nghề tại huyện Hoài Đức, nhưng đang vướng trong khâu xác định đơn giá định mức xử lý nước ô nhiễm, bởi mức độ ô nhiễm của mỗi làng nghề khác nhau. Thành phố đã báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan...

Về việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 5 nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh và môi trường...

Giải đáp ý kiến của đại biểu Quốc hội về đơn thư khiếu nại của các hộ dân ở Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là dự án của thành phố nhằm hoàn thành đường vành đai 1 theo quy hoạch được xác định từ năm 2002. Hiện nay, thành phố đã giao các sở, ngành tập hợp tài liệu. Chủ trương là thành phố đối thoại với nhân dân để giải quyết.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của thành phố, các cơ quan của thành phố và cử tri. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, để các cơ quan chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát cần tăng cường công tác xây dựng luật, nâng cao chất lượng luật để phát huy hết năng lực của hệ thống chính trị.

Trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung, đồng chí Hoàng Trung Hải cho biết, về quy hoạch các dòng sông, thành phố đã làm khá bài bản, Chính phủ cũng đã phê duyệt nhưng hiện nay còn vướng do thiếu vốn. Nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết vấn đề môi trường, đồng chí khẳng định, thành phố sẽ làm quyết liệt hơn, xem xét, rà soát lại nguồn ngân sách.

“Tinh thần là kiên quyết làm, bởi đây là vì cuộc sống của người dân thành phố, chất lượng cuộc sống của các thế hệ tương lai. Chúng ta phải thực hiện bằng được chỉ tiêu này” – Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với các cơ quan của thành phố trước kỳ họp thứ năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.