Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di sản Thành nhà Hồ trong cảm nhận của phóng viên CNN

Mai Chi| 28/08/2015 09:44

(HNMO) - Phóng viên Ron Emmons của trang CNN đã thực hiện chuyến đi đến Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và chia sẻ trải nghiệm, suy nghĩ và cảm nhận của mình trong suốt quá trình tham quan và khám phá nơi này.

Thành nhà Hồ là kinh đô của một triều đại ngắn ngủi trong lịch sử.



Từ năm 1993, 8 địa điểm tại Việt Nam, bao gồm 3 thành cổ, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Đây đều là những nơi mang giá trị vô cùng lớn lao về tự nhiên và lịch sử, như Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế.

Gần đây nhất, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận vào năm 2011, và cũng là một trong những nơi ít được biết đến nhất. Nằm tại một vùng đất xa xôi ở tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, có một vài lý do khiến nhiều người băn khoăn tại sao nơi này lại nhận được vinh dự lớn lao đến vậy.

Thứ nhất, triều đại nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm (1400 – 1407), một khoảnh khắc trong lịch sử đầy biến động của Việt Nam.

Thứ hai, thành cổ này gần như trống không. Không có cung điện, đền đài, lăng mộ, chỉ có bốn bức tường bao quanh một khu đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhận định của UNESCO, thành nhà Hồ đại diện cho “hình mẫu đặc trưng của một thành phố phong kiến kiểu mới tại Đông Nam Á”.

"Được thúc đẩy bởi trí tò mò muốn khám phá một thành phố cổ tại vùng nông thôn Việt Nam, tôi đã quyết định đến đây và tìm hiểu về nơi này" - Phóng viên Ron Emmons của CNN chia sẻ và kể lại về hành trình của mình.

Những gì còn sót lại

Các phiến đá liên kết với nhau mà không cần dùng vữa.


Thành nhà Hồ được xây dựng trong vòng 3 tháng với các mối liên kết đặc biệt không dùng tới vữa. Đây là một kết quả ấn tượng đối với kỹ thuật xây dựng vào thế kỷ 15.

Tôi liên lạc với một người bạn tên Xuân sống ở Ninh Bình, cách thành cổ khoảng 60 km về phía Đông. Chúng tôi đến cổng Bắc của khu Thành nhà Hồ và trả 10.000 đồng phí vào cửa. Vượt qua những mô đất mọc đầy cỏ dại, chúng tôi đã được ngắm nhìn toàn cảnh từ vị trí cao nhất của bức tường.

Xuân cho biết đây là vị trí đã được lựa chọn theo thuật phong thủy, vừa nói vừa chỉ về hướng núi Đốn Sơn và Thổ Tượng tạo thành một vòng cung bảo vệ thung lũng, cùng với sông Mã và sông Bưởi chảy vào trong thành.

Sự chú ý của tôi đổ dồn vào những khối đá khổng lồ trên bức tường, liên kết với nhau mà không cần dùng vữa. Bức tường 600 năm tuổi trải dài khoảng 1 km về 2 phía, hầu như còn nguyên vẹn với 4 cổng thành hình vòng cung vững chãi hơn bao giờ hết.

Một phần của bức tường đã bị lún xuống, phần khác lại bị phủ bởi cỏ dại và những bụi cây, nhưng chính những điều đó đã khiến công trình này thêm phần bí ẩn. Bao quanh bởi 4 bức tường là khung cảnh bất tận của những cánh đồng lúa, ngô và ao tù.

Lịch sử ngắn ngủi của triều nhà Hồ

Tôi hỏi Xuân về lịch sử Việt Nam: “Tại sao nhà Hồ lại tồn tại trong thời gian ngắn như vậy?”. Anh giải thích, vào cuối thế kỷ 14, nhà Trần gặp phải nhiều xáo trộn, và Hồ Quý Ly (trước có tên là Lê Quý Ly), một vị quan nhiếp chính trong triều đình của vua Trần Thuận Tông ở Thăng Long (Hà Nội), đã lên kế hoạch chiếm ngôi vua.

Năm 1397, chỉ trong vòng 3 tháng, Hồ Quý Ly đã hoàn thành xong việc xây dựng thành trì của riêng mình. Ông mời vua Trần Thuận Tông đến thăm công trình mới xây dựng với tên gọi Tây Đô, nhân cơ hội này bắt giam và hành hình nhà vua. Năm 1400, vị vua đầu tiên của triều nhà Hồ lên ngôi.

Sau khi trị vì được 1 năm, Hồ Quý Ly truyền ngôi cho con trai thứ hai là Hồ Hán Thương. Vị vua thứ hai này trị vì được gần 6 năm trước khi chịu sự xâm lược của nhà Minh ở Trung Quốc.

Mặc dù giành được quyền trị vì thông qua việc cướp ngôi, Hồ Quý Ly cũng có công đưa tiền giấy vào lưu thông, hạn chế quyền sở hữu đất và mở các cảng phục vụ việc trao đổi buôn bán với nước ngoài. Ông cũng đưa toán học và nông nghiệp vào giáo dục.

Chúng tôi lái xe dọc theo con đường xuyên qua thành cổ trống trải để hướng đến cổng Nam với ba mái vòm, cũng là lối vào chính.

Chúng tôi bước vào một túp lều tre bên ngoài cổng thành. Trên vách tường treo đầy tranh ảnh những  voi và ngựa đang kéo những tảng đá lớn từ các mỏ, nhiều chiếc bè bằng tre chở các phiến đá xuôi về phía cửa sông, và những người đàn ông cùng những con vật ra sức kéo các phiến đá đã được mài cắt cẩn thận về phía bức tường.

Ra khỏi túp lều, chúng tôi đi về phía một bảo tàng gần như trống không. Chỉ có một vài hiện vật được trưng bày tại đây, trong đó có những viên đá nhỏ để bắn súng cao su và đầu phượng hoàng làm bằng đất nung được tìm thấy tại khu di tích.

Trồng trọt và du lịch

Những em học sinh đạp xe về nhà sau giờ học.


Trong khi Xuân nói chuyện với người quản lý, tôi trèo lên đỉnh cổng Nam. Từ những dấu vết còn sót lại của khu thành cổ, tôi mường tượng ra khung cảnh nhộn nhịp của cuộc sống thế kỷ 15, nơi những người dân ghé qua các khu chợ, cung điện, đền đài vốn được bao bọc bởi những bức tường vững chãi này.

Trở lại với thực tại, tất cả những gì tôi thấy là những đứa trẻ đang đạp xe xuyên qua cánh đồng sau giờ tan học.

Xuân bước ra khỏi bảo tàng, và nói với tôi về sự lo lắng của người quản lý đối với tương lai của khu thành cổ.Trong thỏa thuận với UNESCO, Việt Nam cam kết sẽ bảo vệ di sản Thành nhà Hồ, đồng nghĩa với việc ngăn cấm tất cả các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến khung cảnh nơi đây và hạn chế việc trồng trọt trong khu vực thành cổ.

Trả lời phỏng vấn cho báo Viet Nam News, ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thế giới Thành nhà Hồ cho biết: “Các hộ dân chiếm được quyền sử dụng đất, và họ tiếp tục xây dựng nhà cửa và các công trình khác. Điều này đã gây khó khăn trong việc bảo tồn khu thành cổ”.

Ông Toán cũng giải thích thêm rằng việc cày cấy, đào xới, trồng trọt ruộng vườn và kênh mương phía trong thành đã làm lộ ra và gây ảnh hưởng tiêu cực đến các kiến trúc ngầm.

Chính phủ Việt Nam sẽ phải cân nhắc rất nhiều để cân bằng giữa việc phát triển du lịch và đảm bảo cuộc sống của người dân tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản Thành nhà Hồ trong cảm nhận của phóng viên CNN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.